Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng hơn 10% Sức mua yếu, nhiều mặt hàng giảm giá tới 80% dịp cận Tết Đẩy mạnh ưu đãi, ưu tiên hàng Việt Nam phục vụ Tết Nguyên đán 2024 |
Đa dạng mẫu mã, giá bình dân
Mặt hàng giỏ quà tết được ưu tiên bố trí, bày bán tại các khu vực dễ nhìn thấy nhất trong siêu thị. |
Cùng với các mặt hàng truyền thống, thời điểm này, thị trường giỏ quà Tết đã rất sôi động. Tết năm nay, người tiêu dùng hướng vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giỏ quà Tết bởi sự tiện ích và chú trọng chất lượng.
Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đại lý bán lẻ, cửa hàng bánh kẹo tại Hà Nội, mặt hàng giỏ quà tết được ưu tiên bố trí, bày bán tại các khu vực dễ nhìn thấy nhất với nhiều mức giá khác nhau, phổ biến từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Với các giỏ quà truyền thống thường có bánh kẹo, mứt, trà, rượu, cà phê, tùy vào từng giá tiền và theo nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, năm nay các đơn vị cung cấp còn thiết kế các giỏ quà độc đáo mới lạ để phục vụ người tiêu dùng. Năm nay thị trường giỏ quà Tết xuất hiện của các loại nông sản sạch, trái cây sấy, đặc sản vùng miền.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang tìm đến các mặt hàng hay giỏ quà Tết với mức giá bình dân, nhưng vẫn đảm bảo được mẫu mã, chất lượng.
Chị Đỗ Thanh Tuyền ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Không chỉ với tôi mà rất nhiều người, năm nay công việc rất khó khăn, các khoản thu nhập cũng giảm đi trong khi Tết còn nhiều thứ phải chi tiêu nên năm nay đang tính mua giỏ quà khoảng vài trăm nghìn đồng đổ lại là phù hợp”.
Tại các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Go! Big C, MM Mega Market… thị trường giỏ quà Tết 2024 được khởi động ngay từ giữa tháng 11/2023 với nhiều phân khúc từ bình dân tới cao cấp. Trong đó, có nhiều đặc sản vùng miền được đưa vào giỏ quà Tết. Hệ thống siêu thị WinMart cũng đã đưa ra thị trường nhiều mẫu giỏ quà với các sản phẩm Việt như bánh kẹo, mứt, hạt điều, cafe...
Tương tự, tại hệ thống Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), sức mua giỏ quà Tết tăng cao. Hệ thống đưa ra các mẫu giỏ quà Tết mang thương hiệu hàng nhãn riêng Co.op.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết: “Năm nay, Saigon Co.op chuẩn bị rất đa dạng giỏ quà Tết. Mẫu giỏ quà Tết thứ nhất tập trung cho nhóm hàng thiết yếu thì nhóm quà này sẽ rơi vào từ 99.000 - 249.000 đồng, hướng đến đối tượng có thu nhập trung bình khá”.
Thị trường giỏ quà tết 2024 ngoài việc hướng vào giá trị thiết thực với người tiêu dùng còn chú trọng ưu tiên cho hàng sản xuất trong nước. Ngoài bày bán trực tiếp tại các hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ, các đơn vị cung cấp giỏ quà tết cũng đã chào bán trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử.
Hàng Việt được ưu tiên lựa chọn
Các giỏ quà Tết năm nay đa dạng mẫu mã, kiểu dáng giá thành cũng linh hoạt. |
Tại các siêu thị, giỏ quà Tết, bánh mứt kẹo đã lên kệ từ cuối tháng 12, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Chưa vào lúc sắm Tết cao điểm nhất, nhưng riêng tại khu vực bánh mứt kẹo của các siêu thị lớn, người tiêu dùng tìm hiểu, mua sắm đã khá đông. Nhân viên quầy hàng tại siêu thị MM Mega Market Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho biết, bánh mứt kẹo là mặt hàng có thời hạn sử dụng dài, nên nhiều người tiêu dùng tranh thủ sắm Tết sớm để có nhiều thời gian so sánh, lựa chọn.
Tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C Thăng Long, AEON Mall, Co.opmart, Lotte Mart, MM Mega Market, WinMart… các loại bánh mứt kẹo của Việt Nam được trưng bày nổi bật, bắt mắt và luôn chiếm ưu thế trên các kệ hàng. Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, các sản phẩm bánh kẹo đặc trưng Tết năm nay chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao của các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Bibica, Orion, Hải Hà...
Tương tự, hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng chú trọng sản phẩm của Việt Nam, người Việt tiêu dùng hàng Việt do đó tỷ lệ của sản phẩm bánh mứt kẹo của Việt Nam tại hệ thống siêu thị lên đến 65%. Về phần người tiêu dùng, đại diện hệ thống siêu thị cho biết, do sản phẩm Việt có giá cả dễ chịu hơn so với sản phẩm nhập khẩu và tình hình kinh tế hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, nên gần 70% khách hàng lựa chọn mua sắm sản phẩm Tết là hàng Việt Nam.
Nhìn chung, năm nay mặc dù nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng sản phẩm bánh mứt kẹo Tết đều không tăng giá, thậm chí một số loại có giá thấp hơn ngày thường do các nhà cung cấp thực hiện chương trình giảm giá. Cụ thể các loại bánh quy có giá phổ biến 49.000-300.000 đồng/hộp tùy chất lượng, mẫu mã, bao bì (hộp giấy hoặc hộp thiếc), các loại kẹo 50.000-200.000 đồng/kg, các loại mứt tết, hạt, trái cây sấy khô có giá phổ biến 35.000-350.000 đồng/kg, gói tùy trọng lượng, bao bì... Ngoài ra, các sản phẩm như hạt dưa, hạnh nhân, mắc ca, hạt điều, hạt sen sấy, hạt dẻ, do doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá bán dao động ở mức 65.000 đến 70.000 đồng/kg…
Nỗ lực chiếm lĩnh thị trường
Các doanh nghiệp đã chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng |
Đánh giá cao nỗ lực đổi mới để chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Qua đó, các doanh nghiệp đã chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng... Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp cần mở rộng thêm phân khúc phục vụ như tầng lớp trung lưu, người lớn tuổi thay vì chỉ nhắm vào gia đình hoặc trẻ em.
Tương tự, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để đáp ứng thị hiếu của người dân. Đến nay, có thể khẳng định nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý "sính hàng ngoại nhập" của người tiêu dùng. Hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng, chưa kể giá cả cũng hợp lý trong bối cảnh kinh tế khó khăn".
Tuy nhiên bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi. Cảnh báo tới người dân về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: "Với riêng bánh, mứt, kẹo, để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hoạt động sản xuất, mua bán, khu vực tập kết hàng hóa của tư thương nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm", ông Kiên nhấn mạnh.
Thị trường bánh kẹo tại Việt Nam đã tạo ra doanh thu 8,5 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,17%. Mặc dù thuế nhập khẩu bánh kẹo từ các quốc gia ASEAN vào Việt Nam đã giảm xuống 0%, nhưng bánh kẹo sản xuất trong nước vẫn tiếp tục nắm giữ thị trường, chiếm hơn 90% tổng doanh số bán bánh kẹo của cả nước.
Về xu hướng tiêu dùng, người dân Việt Nam, đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thực phẩm ít béo, ít đường và ít calo. Nguyên do là tỷ lệ béo phì ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa và thay đổi lối sống, cũng như ý thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đang dần quan tâm hơn đến các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Nắm bắt xu hướng này, các công ty cũng đang hướng đến xu hướng phát triển bền vững, ưu tiên tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, lựa chọn các thành phần có nguồn gốc thân thiện với môi trường, đồng thời cân nhắc sử dụng vật liệu đóng gói có thể tái chế để giảm lượng khí thải carbon…