Cây thanh long được trồng rải rác ở một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk như huyện Buôn Đôn, huyện Cư M’Gar, huyện Ea Kar,… và được trồng tập trung ở xã Cư Êbur (thành phố Buôn Ma Thuột). Đáng nói, hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá thanh long giảm mạnh, sức tiêu thụ kém khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều năm gần đây, giá thanh long dao động từ 7.000 đồng (vào mùa mưa) đến 15.000 đồng (vào mùa nắng), với năng suất trung bình 25 tấn/ha/năm, người nông dân có thu nhập khá từ thanh long.
Thế nhưng vụ thu hoạch chính năm nay, giá thanh long chỉ được thu mua ở mức 2.000-3.000 đồng/kg đối với hàng loại 1. Giá thấp, thương lái không mua khiến người nông dân lỗ nặng, cuộc sống vô cùng khó khăn. Theo người dân, giá thanh long giảm mạnh nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ chính của xã Cư Êbur là thành phố Đà Nẵng.
Thanh long chất đống không ai mua
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thành phố Đà Nẵng cách ly xã hội khiến thanh long tại xã Cư Êbur ứ đọng theo. Thương lái chỉ thu mua số lượng ít ỏi để xuất bán đi các tỉnh khác như: Khánh Hòa, Phú Yên, Huế...
Giải pháp đầu ra cho thanh long đã được Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur đưa lời giải. Cụ thể, nếu tham gia VietGAP, nông dân được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình và có doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Tuy nhiên, người dân trên địa bàn chưa mặn mà với VietGAP vì cho rằng năng suất, mẫu mã theo hướng trồng hữu cơ không đẹp và bằng hướng trồng đại trà, truyền thống như trước nay. Về phía tổ hợp tác cũng đã tích cực tìm kiếm các cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ cho nông dân.
Hiện nay, giá thanh long giảm mạnh, Tổ hợp tác thanh long kêu gọi chính quyền địa phương, các cấp các ngành và người dân trong tỉnh có biện pháp hỗ trợ nông dân như giải cứu thanh long, kết nối với các nhà máy, doanh nghiệp để chế biến thanh long sấy, nước ép thanh long hoặc bánh mỳ thanh long…
Người dân khóc ròng vì thanh long tiêu thụ kém
Theo ông Trương Thái Bình, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng thành phố Buôn Ma Thuột, thực tế cho thấy thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, người dân xã Cư Êbur trồng thanh long chủ yếu theo hướng tự phát, phương thức truyền thống, tính liên kết chưa cao. Do đó, hiện nay với tình hình diễn biến của dịch bệnh, thương lái không thu mua dẫn đến tình trạng ứ đọng.
Một số cá nhân, đơn vị đã nhập, mua thanh long để hỗ trợ cho "tâm dịch" Đà Nẵng nhưng số lượng không nhiều, hướng "giải cứu" thanh long gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng vùng nguyên liệu, vận động nông sản xuất theo hướng VietGap và tham gia liên kết chuỗi, xây dựng chỉ dẫn địa lý để vấn đề sản xuất thanh long mang tính bền vững, hiệu quả, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân.
Chính quyền địa phương và các ngành chức năng nên đồng hành với nông dân trồng thanh long ở thời điểm khó khăn này, hướng nông dân đến sản xuất bền vững, có khuyến cáo phù hợp để tránh tình trạng ứ đọng, đổ tháo thanh long. Người dân cũng cần xác định lại nhu cầu của thị trường, đầu tư nội lực và lợi ích của hướng sản xuất VietGap để có hướng sản xuất phù hợp trong tương lai.
Linh Anh