"Trái ngọt" dưới chân núi lửa Nâm Blang
Hơn 5 năm trước, dưới chân núi lửa Nâm Blang, huyện Krông Nô (Đắk Nông), 50 ký lúa giống ST24 đã được đưa về trồng thử nghiệm. Người có ý tưởng mang giống lúa này về trồng là một nông dân tại xã Buôn Choah (huyện Krông Nô). Đó là bà Chu Thị Mười.
Cánh đồng Buôn Chóah rộng khoảng 700 ha. |
Bà Mười kể: "Năm 2017, một lần xem tivi thấy quảng cáo lúa ST24 thơm ngon, tôi nảy sinh ý định mua về trồng thử. Hôm sau, tôi nói việc này với ông Lộc. Thật trùng hợp, ông ấy cũng có ý định đưa ST24 về địa phương trồng thử nghiệm nhằm thay thế các giống lúa cũ đã thoái hóa. Vì thế, khi tôi đề nghị ông đã nhận lời ngay".
Ông Lộc mà bà Mười nhắc đến là Doãn Gia Lộc- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô. Trên cương vị của mình, đứng trước tình trạng các giống lúa cũ bị thoái hóa, ông Lộc cũng đau đáu tìm giống mới để thay thế.
Thế nên, khi bà Mười "ngỏ lời", ông Lộc đã liền nhờ người quen mua 50 ký lúa gống ST24 về đưa cho bà Mười gieo sạ trên 4 sào ruộng. Là giống mới ở địa phương, bà Mười chưa nắm rõ quy trình sản xuất nên vụ đầu tiên lúa bị xoắn lá, 4 sào chỉ thu hoạch được 1 tấn - thấp hơn nhiều lần so với các giống lúa người dân trồng xung quanh.
"Lúc ấy tôi cũng chán nản, tính vụ sau sẽ quay lại trồng giống lúa truyền thống. Tuy nhiên, khi mang lúa về xay ăn thì thấy gạo thơm ngon, vị đậm đà nên tôi làm liều trồng thêm vụ nữa. Rút kinh nghiệm từ vụ trước và với sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp huyện, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng ST24, thu được kết quả tốt"- bà Mười kể tiếp.
Cũng theo bà Mười, hiện gia đình bà đang duy trì trồng lúa ST24 và ST25 trên diện tích 4 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, thu nhập tăng khoảng 25% so với trồng các giống lúa trước đây.
Còn ông Lộc cho biết: "Nhờ sự quyết liệt của huyện và sự ủng hộ của người dân, diện tích trồng lúa ST24, sau đó là ST25, ngày càng mở rộng. Đến nay toàn huyện đã có 1.400 ha (2 vụ) với khoảng 300 hộ tham gia trồng giống lúa mới này.
Khoảng hơn 400 ha lúa ở Buôn Chóah được sản xuất theo hướng VietGAP. |
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, cánh đồng Buôn Chóah hiện là nơi có năng suất lớn nhất Tây Nguyên. Trong vụ Đông Xuân năm nay, trung bình mỗi ha lúa đạt 12 tấn. Với giá lúa hiện tại, toàn bộ cánh đồng này cho thu khoảng trên dưới 65 tỷ đồng.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, cho biết, năm 2020, qua khảo sát cho thấy việc sản xuất lúa trên cánh đồng Buôn Chóah còn nhiều bất cập. Những năm qua, sản xuất lúa gạo đã có ý nghĩa thiết thực trong phát triển nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và sự phát triển kinh tế của xã Buôn Chóah nói riêng và của huyện Krông Nô nói chung.
Theo nông dân, việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP sẽ giảm được chi phí và tăng thêm thu nhập. |
Tuy nhiên, trên cánh đồng Buôn Chóah, số lượng nông hộ cũng như diện tích canh tác lúa theo hướng an toàn chỉ chiếm 15% trong tổng số diện tích lúa nước của toàn xã. Điều đó cho thấy chất lượng lúa gạo Buôn Choah không đồng đều.
Bên cạnh những nông hộ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thì những nông hộ hiện đang sản xuất thông thường có thói quen lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, sơ chế, bảo quản, vận chuyển chưa quan tâm đúng cách, phù hợp với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc quản lý, tổ chức sản xuất đơn lẻ, độc lập theo mô hình tự phát của các hộ gia đình, thiếu sự liên kết trong sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị mua bán không cao, sản phẩm tiêu thụ bấp bênh phụ thuộc vào thương lái tự do và tình hình thị trường.
Ông Hồ Gấm- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông (phải) khảo sát cánh đồng Buôn Chóah. |
"Để sản phẩm lúa gạo của Buôn Chóah có chất lượng đồng đều, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng giá trị mua bán, đón đầu được các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã quyết định triển khai xây dựng dự án "Phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ cánh đồng xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông".
"Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chứng nhận VietGAP từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Liên kết nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo bền vững, hiệu quả để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân"- ông Hồ Gấm cho biết.
Dự án đã tổ chức được 4 lớp đào tạo tập huấn với tổng số 248 nông hộ và 12 người là Ban lãnh đạo, các tổ sản xuất của HTX tham gia về nâng cao nhận thức cho nông hộ về tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt (TCVN 11892-1:2017), kỹ thuật canh tác lúa nước; phương pháp và kỹ năng đánh giá nội bộ; cấp phát tài liệu tập huấn và sổ nhật ký sản xuất cho các nông hộ tham gia đồng thời hướng dẫn nông hộ ghi chép nhật ký sản xuất một cách đầy đủ và kịp thời nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như theo dõi quá trình canh tác của bà con; hướng dẫn Ban quản lý xây dựng hệ thống hồ sơ tài liệu, biểu mẫu ghi chép theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP và triển khai cấp phát, hướng dẫn cho các nông hộ.
Cũng theo ông Hồ Gấm, sau khi khảo sát, dự án đã lựa chọn được 304 hộ đủ khả năng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và tự nguyện đăng ký tham gia với diện tích 440.87 ha. Đồng thời dự án quyết định lựa chọn Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choah là đơn vị kết hợp với bà con nông dân trong quá trình thực hiện dự án cũng như là đầu mối liên hệ, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo đạt chứng nhận VietGAP.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP đã giúp năng suất lúa trên cánh đồng Buôn Chóah tăng khoảng 5%. Trong khi đó, chi phí sản xuất giảm 5%. Chỉ nhờ vào việc này, nông dân đã tăng được thu nhập khoảng 3 triệu đồng/năm/ha. Nếu đầu ra ổn định, dự án sẽ giúp nông dân tăng thu nhập từ 10-15 %.
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, để quản lý chất lượng, UBND huyện Krông Nô yêu cầu thành lập 2 hợp tác xã sản xuất lúa tập trung. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho lúa gạo Krông Nô.
Năm 2020, địa phương xây dựng thành công 2 mặt hàng OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 3 sao và 4 sao về gạo Buôn Choah. Đến nay, sản phẩm gạo Buôn Choah Krông Nô đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và OCOP.
Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, cho biết, sau khi có chứng nhận, thương hiệu lúa gạo Krông Nô ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: "Chất lượng sản phẩm lúa gạo Krông Nô đã được kiểm nghiệm tại Viện Dinh dưỡng. Điểm khác biệt của gạo ST24 và ST25 trồng tại Krông Nô là hạt trong, không gãy, hương vị thơm ngon, đậm đà không nơi nào có được. Đó là nhờ sự vun đắp phù sa, tạo nên lớp phì nhiêu từ sông Krông Nô, đặc biệt là hàm lượng khoáng từ sự phong hóa của cao nguyên đá nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang".
Mặc dù chất lượng được đánh giá "ngon nhất thế giới" song để lúa gạo Krông Nô có "chỗ đứng" trên thị trường vẫn còn nhiều điều cần chính quyền và người dân phải làm.
Theo ông Doãn Gia Lộc: "Dù đã đạt được kết quả tích cực song Krông Nô vẫn còn nhiều điều phải làm trong việc sản xuất lúa gạo. Theo đó, tiềm lực của các hợp tác xã, cơ sở sản xuất còn hạn chế. Hằng năm, huyện chỉ giữ lại được khoảng 1/3 sản lượng lúa gạo thu hoạch, số còn lại thương lái đưa về miền Tây chế biến, gắn các nhãn mác khác mà không thể quản lý".
Cũng theo ông Lộc, địa phương đang kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực đến Krông Nô đầu tư nhà máy sản xuất lúa gạo, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm như: bánh gạo, bột gạo, chưng cất rượu... để tăng giá trị cho sản phẩm lúa gạo của địa phương.