Vaccine phòng sởi giá bao nhiêu tiền? Biến chứng nguy hiểm từ bệnh sởi, chuyên gia cảnh cáo gì? Số ca mắc sởi vẫn ở mức cao, Hà Nội mở rộng đối tượng tiêm chủng |
Nguy cơ gia tăng số ca mắc sởi
![]() |
Bệnh sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 14/2 đến 21/2), toàn thành phố ghi nhận 88 trường hợp mắc sởi, không có trường hợp tử vong; giảm 26 trường hợp so với tuần trước (114 trường hợp).
Cộng dồn năm 2025 đến nay, thành phố Hà Nội ghi nhận 529 trường hợp sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, không có trường hợp tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 55 trường hợp dưới 6 tháng (10,4%); 75 trường hợp 6-8 tháng (14,2%); 56 trường hợp 9-11 tháng (10,6%), 126 trường hợp 1-5 tuổi (23,8%), 79 trường hợp 6-10 tuổi (14,9%), 138 trường hợp trên 10 tuổi (26,1%).
Theo CDC nhận định, số mắc sởi trong tuần giảm so với tuần trước tuy nhiên vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Số ca mắc có xu hướng tăng ở nhóm tuổi 6-8 tháng và trên 10 tuổi. CDC Hà Nội dự báo vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Phòng ngừa bằng vaccine
![]() |
bệnh sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm |
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sởi thường diễn tiến qua ba giai đoạn rõ rệt. Cụ thể, trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các triệu chứng tương tự cảm cúm như sốt, ho, ngạt mũi, mắt đỏ, viêm long và tiêu chảy... Đây là giai đoạn dễ lây lan nhưng khó nhận biết do chưa xuất hiện ban sởi.
Giai đoạn thứ 2 là phát ban, được đặc trưng bởi các nốt ban đỏ xuất hiện từ sau chân tóc, lan xuống mặt, cổ, thân mình và các chi. Trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi trong giai đoạn này. Cuối cùng là giai đoạn ban bay, khi các ban mờ dần, để lại các vết loang lổ trên da trước khi trẻ hồi phục hoàn toàn...
"Phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ hai mũi vaccine sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia. Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Bên cạnh đó, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc phát ban, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đồng thời, cách ly bệnh nhân sởi, vệ sinh môi trường sống và rửa tay thường xuyên là các biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh", bác sĩ Hiền khuyến cáo.
Còn PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, bệnh sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe,… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và có ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, các nhân viên y tế cần chú ý đến các đặc điểm của bệnh sởi để xét nghiệm chẩn đoán và cách ly, điều trị kịp thời, tránh bỏ sót và phát hiện muộn, từ đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván... đều có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng vaccine. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi-quai bị-rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh…
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến hết ngày 20/2, đã có 27/30 quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch tiêm sởi; trừ các huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì. Kết quả đã tiêm được 6.128/18.300 trẻ (đạt 33% so với tổng số trẻ thuộc diện tiêm chủng), trong đó có 5.743 trẻ được tiêm tại trạm y tế và 385 trẻ tiêm tại cơ sở dịch vụ. Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện thực hiện giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại các quận, huyện:Long Biên, Thanh Xuân, Quốc Oai, Thanh Trì, Cầu Giấy, Thạch Thất. |