Sầu riêng tăng giá theo giờ |
Sầu riêng đang bị thổi giá
Những ngày này, ở Tây Nguyên, thủ phủ sầu riêng lớn nhất cả nước bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán tăng vọt.
Tại Đắk Lắk, thời điểm này năm ngoái sầu Thái Dona giá chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, năm nay có giá 80.000-90.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Các thương lái tranh mua tranh bán.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận, sầu riêng đang là “vua của các loại quả” nên ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng trồng thử nghiệm.
“Sầu riêng tại Tây Nguyên gần như thu hoạch cuối cùng so với cả nước cũng như các quốc gia lân cận, nên giá luôn khá cao”, ông Côn nói.
Theo ông, ở Đắk Lắk có 3 hình thức thu mua sầu riêng. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô tại vườn.
Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc BVTV... chăm sóc cây.
Thứ ba, một số đối tượng thương lái, "cò" vào tận vườn để chốt giá 80.000-90.000 đồng/kg. Ông Côn cho rằng, hình thức này đang gây nhiễu loạn thị trường.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding, cho biết doanh nghiệp liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha.
“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết. Trong hợp đồng có đánh giá tỷ lệ quả, chốt giá trước 15-20 ngày để thu hoạch. Song, trước thời điểm thu hoạch 2 tháng, thương lái, 'cò' ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc hàng. Nông dân không chịu nổi khi sáng ông A. vào trả 90.000 đồng/kg, chiều ông B. lại trả 95.000, thậm chí 100.000 đồng/kg. Cứ thổi giá lên thôi”, ông Trung bức xúc.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đặt ra 3 vấn đề băn khoăn. Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác. Thứ ba, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Các doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh nhau và tự thua trên sân nhà.
“HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Nguyễn Hữu Chiến dẫn chứng và đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Doanh nghiệp xuất khẩu móc tiền túi bù lỗ
Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng kêu lỗ |
Trong khi người trồng sầu riêng trúng đậm thì ông Lâm Nhật Dân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hoà - thông tin rằng, doanh nghiệp đang chịu thua lỗ khi xuất bán sầu cho khách hàng Trung Quốc.
Ông Lâm cho hay, vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, doanh nghiệp cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, trước giá sầu riêng tăng quá cao, một số đối tác, khách hàng của doanh nghiệp có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.
Để duy trì cam kết và đảm bảo uy tín với khách hàng, công ty phải chấp nhận bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.
Với tình trạng trên, theo ông Lâm, doanh nghiệp càng làm sẽ càng thua lỗ. Do đó, việc duy trì cam kết với các đối tác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tương lai, doanh nghiệp khó có thể bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Trước đó, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, cũng thừa nhận, giá sầu riêng chốt tại vườn trên 80.000 đồng/kg thì "doanh nghiệp thật sự không dám mua”.
Theo bà Vy, doanh nghiệp trước đây chốt với người dân từ 60.000-65.000 đồng/kg. Ở mức giá này, người trồng sầu riêng đã có lãi cao.
Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), chỉ rõ, một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá và làm xáo trộn thị trường. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Với tiềm năng tại thị trường Trung Quốc, ông Trung nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần có tư duy “bắt tay”, đồng hành cùng đưa sầu riêng vào thị trường này thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về giá.
Để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, các chuyên gia và cơ quan chức đề cập tới câu chuyện chuỗi liên kết trong sản xuất, về vấn đề quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xem xét ban hành quy định tiêu chuẩn chất lượng trái sầu, tránh tình trạng cắt non...