Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về công khai thông tin, minh bạch, dự thảo Luật đã quy định riêng một mục về Công khai thông tin, trong đó có quy định các nguyên tắc về công khai thông tin, các thông tin định kỳ, thường xuyên, bất thường cần được doanh nghiệp bảo hiểm công khai nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường bảo hiểm, gia tăng sự tiếp cận của nhà đầu tư và người tham gia bảo hiểm đối với các thông tin về tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Về quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh, các quy định tại dự thảo Luật đã được rà soát với các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam có tham gia liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, hệ thống pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp 2020; một số đặc trưng riêng của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tính an toàn, chặt chẽ trong hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, trong quá trình thẩm tra dự án Luật, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhiều lần tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến trực tiếp bằng văn bản các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là các đối tượng chịu tác động trực tiếp để hoàn thiện quy định, bảo đảm các quy định phù hợp với thực tế triển khai và đi vào cuộc sống.
Về nội dung gia nhập thị trường, dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời có các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường trong nước. Các điều kiện này đều đã được quy định tại các văn bản dưới luật trước đây, áp dụng một thời gian dài ổn định, không có vướng mắc. Các quy định về cấp phép được quy định cụ thể tại dự thảo Luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch cho các chủ đầu tư thực hiện khi muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Đối với đề xuất cần có quy định đặc thù đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, liên doanh, liên kết với nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, đối với các điều kiện gia nhập thị trường, trên cơ sở các Điều ước quốc tế cho phép việc xây dựng các rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, dự thảo Luật đã đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài như điều kiện về vốn, kinh nghiệm hoạt động, cam kết hỗ trợ thị trường… nhằm chọn lọc, thu hút được các nhà đầu tư lớn, có cam kết hoạt động lâu dài và đóng góp cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước.
Đối với các điều kiện hoạt động sau khi được cấp phép thành lập và hoạt động, theo các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, Việt Nam không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, liên doanh và các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, dự thảo Luật không có quy định riêng đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Về thuật ngữ “thành viên góp vốn” trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, theo quy định tại khoản 29 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp: “Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty TNHH hoặc công ty hợp danh”. Tại dự thảo Luật, thuật ngữ “ thành viên góp vốn” được sử dụng cho thành viên góp vốn vào các doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty TNHH.
Về việc quy định hình thức tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm không có loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, do đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm có liên quan đến quyền và lợi ích của số đông người tham gia bảo hiểm, tương tự như tính chất của các tổ chức tín dụng, do đó để hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, cần có một mô hình quản trị phù hợp.
Việc quy định không cho phép loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân nhằm bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm không phụ thuộc vào ý chí riêng của một cá nhân. Đồng thời, cũng bảo đảm khả năng bổ sung nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm khi xảy ra những biến động lớn, bảo đảm công ty có đủ năng lực tài chính vững mạnh; bảo đảm các cam kết đối với bên mua bảo hiểm, phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp có lợi ích công chúng như doanh nghiệp bảo hiểm.
Với quy định quản trị rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định việc xem xét các điều kiện về quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro, cơ sở vật chất và hệ thống công nghệ thông tin ngay tại thời điểm cấp phép.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng và đáp ứng toàn bộ điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin cũng như các quy trình nghiệp vụ ngay tại thời điểm xin cấp phép mà sau đó không được cấp phép thì sẽ gây lãng phí, thiệt hại cho các chủ đầu tư.
Do đó, để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, dự thảo Luật đã chia các điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động thành 02 giai đoạn: Tại thời điểm cấp phép, chủ đầu tư cần đáp ứng các điều kiện về năng lực tài chính, hoạt động nghiệp vụ, người quản trị điều hành…;
Sau khi được chấp thuận cấp phép, chủ đầu tư có 12 tháng để chuẩn bị trước khi chính thức hoạt động. Các điều kiện về quy trình quản trị rủi ro, quy trình nghiệp vụ, hệ thống cơ sở vật chất và công nghệ thông tin phải được đáp ứng trước khi doanh nghiệp chính thức hoạt động./.