Quốc hội thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam. Ảnh Quốc hội |
Luật gồm 06 chương, 36 điều quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, Lực lượng Bộ đội Biên phòng; Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng và Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận đóng góp của đại biểu tại kỳ họp, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn. Sau khi nghe báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 5 và Điều 10 với số phiếu tán thành tương ứng là: 92,74%, 91,08%
Việc Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra trong xây dựng luật: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Trước đó, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10) là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ biên phòng liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nên cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu; ý kiến khác đề nghị bổ sung một khoản quy định về hình thức phối hợp cho chặt chẽ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng không chỉ căn cứ vào Luật này mà còn theo quy định của pháp luật có liên quan. Để bảo đảm linh hoạt, chủ động về hình thức phối hợp, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp tại khoản 4 Điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở” vào trước cụm từ “KVBG” tại cuối điểm a khoản 1 để khẳng định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan chủ trì và cơ quan, lực lượng phối hợp” vào cuối điểm c khoản 2.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong quan hệ phối hợp thì trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phải luôn được đề cao. Nội dung khoản này đã quy định rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng, quy định tại điểm d khoản 2 chưa rõ ràng về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, lực lượng trong xử lý vi phạm pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định này là nguyên tắc chung để các lực lượng kịp thời, chủ động, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Nhằm bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại như dự thảo Luật.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại khoản 5 chưa rõ đối tượng, đề nghị chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát là con người; quy định kiểm soát qua lại biên giới còn rộng, dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng.
Nói rõ về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhận thấy, việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; nếu chỉ quy định đối tượng kiểm soát là con người sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng phương tiện để cất giấu tài liệu phản động, vũ khí, ma túy… để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, ngoài việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với con người còn phải kiểm soát cả phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5): Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG” để thể chế hóa Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung này như thể hiện tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng, quy định “bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” tại khoản 3 là chồng chéo về nhiệm vụ của bộ đội biên phòng với các lực lượng khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bảo đảm thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ chung của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, không chỉ riêng của bộ đội biên phòng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.