Làng chài là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, với nhiều nét đẹp văn hoá cũng như phong tục tập quán mang đậm sắc thái vùng biển của một cộng đồng ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long.
Xác định được điều đó, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được tỉnh quan tâm.
Trước đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long ban hành kế hoạch số 135/KH-BLQVHL ngày 28/12/2018 thực hiện việc bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long. Dự án đã thực sự phát huy tác dụng trong việc phục dựng những nét văn hóa đặc sắc của người dân sống trên Vịnh, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có ấy, tô điểm thêm sức hấp dẫn cho các điểm đến trên Vịnh Hạ Long.
Dự án Bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai từ đầu năm 2019 với các nội dung chính bao gồm: Sửa chữa, di chuyển các nhà bè bảo tồn, lớp học, thư viện; sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật tại khu vực Cửa Vạn và khu tái định cư Cái Xà Cong; tái hiện mô hình lớp học nổi; truyền dạy, trình diễn hát giao duyên và tập huấn đan lờ, đan lưới…
Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 1,5 tỷ đồng, trích từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Mục tiêu nhằm bảo tồn và phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị văn hóa làng chài; biến thành những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút và kéo dài thời gian tham quan của khách du lịch trên vịnh.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày hơn 1.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến đời sống của người dân làng chài cư trú trên vịnh.
Nhằm thu hút khách từ những sản phẩm du lịch mang màu sắc bản địa, những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh.
Ngoài trưng bày triển lãm cố định những hiện vật thu thập được tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, Ban Quản lý Vịnh cũng tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân theo chủ đề, như: Phát triển du lịch bền vững từ giá trị lịch sử văn hóa trên Vịnh Hạ Long, ngư cụ đánh bắt truyền thống của ngư dân…; tổ chức các buổi trưng bày theo chuyên đề có sự thay đổi theo từng sự kiện, thời điểm lịch sử và cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư.
Đồng thời, Ban phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm cuộc sống làng chài cho du khách ngay trên vịnh. Qua các hiện vật sống động và trải nghiệm thực tế, du khách phần nào hiểu, có cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống của cư dân làng chài trên vịnh với những nét đặc trưng riêng.
Theo thống kê, lượng du khách tới tham quan Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn đã tăng đáng kể. Trong năm 2019, gần 50.000 lượt khách và gần 4.000 lượt tàu đã ghé thăm Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm trong khuôn khổ dự án, tăng hơn 20% so với năm 2018.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tất cả những thành viên trực tiếp tham gia vào dự án đều là con em của những gia đình có nhiều thế hệ sinh sống trên vịnh, nay đã chuyển về khu tái định cư phường Hà Phong, TP Hạ Long. “Bản thân họ chính là những kho báu sống cần được trân trọng để từ đó gìn giữ và phát huy những nét đặc trưng văn hóa của người dân miền biển".
Dự án đã được nghiệm thu vào ngày 20/5/2020; bước đầu nhận được đánh giá tích cực của các sở, ngành về hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người dân chài trên vịnh. Đây đồng thời sẽ là cơ sở để Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án, biến không gian văn hóa vạn chài trở thành 1 điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá miền đất di sản Quảng Ninh.
Mai Quỳnh