Chùm hoa phượng vĩ Ảnh: Tổng hợp |
Đặc điểm của cây phượng vĩ
Cây phượng vĩ hay còn được gọi là cây phượng đỏ, xoan tây, điệp tây, điệp bông đỏ. Có tên khoa học là Delonix regia (Bojer ex Hook.) Raf thuộc họ vang (Caesalpiniaceae).
Cây có thân to và cao từ 10 – 12m, cành cây thường mọc toả ngang.
Lá phượng mọc kép hai lần lông chim, có cuống chung dài 50 – 60cm, mang 10 – 18 đội cuống cấp hai, mỗi cuống này có 20 đôi lá chét nhỏ mọc đối, gốc và đầu tròn, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thưa, hoa nhiều màu đỏ; đài hình van có 5 răng, màu lục, mép viền vàng; tràng 5 cánh có móng hẹp, đầu loe rộng gần tròn; bầu có cuống.
Quả cây dài, hơi cong, có hai mảnh vỏ cứng màu nâu, hạt dài và hẹp, có vấn nâu.
Quả phượng vĩ |
Mùa nở hoa của phượng vào khoảng tháng 5 đến 6, ra quả vào tháng 8 tới tháng 10.
Phân bố, sinh thái: Phượng vĩ có nguồn gốc ở Madagascar, sau được đem trồng khắp vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi.
Ở nước ta, đây là loại cây trồng quen thuộc, đã có từ lâu, được trồng, thậm chí còn trở nên hoang dại hoá ở khắp tất cả các tỉnh trong đất liền cũng như ngoài hải đảo, ngoại trừ vùng núi cao lạnh trên 1.000m.
Phượng vĩ là loại cây mọc nhanh, gỗ mềm. Cây đặc biệt ưa sáng, khi còn nhỏ ưa ẩm, sau lớn có thể chịu hạn tốt và cũng có thể sống được trên nhiều loại đất khác nhau.
Cây có hiện tượng rụng lá mùa đông, khi mọc lá non đồng thời cũng ra hoa. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên và trồng trọt dễ dàng từ hạt.
Bộ phận thường dùng làm thuốc thường là vỏ, lá và hoa.
Toàn cảnh cây phượng vĩ |
Thành phần hoá học: Phần gỗ chứa 21,17% lignin, 1,97% protein, hạt tươi chứa 60,31% protein, 9,68% chất béo và 16,22% carbohydrat [The wealth of India, 1952 vol.III, p.29].
Hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm: Kết quả nghiên cứu cho thấy tinh dầu từ cây phượng vĩ có tác dụng kháng khuẩn đáng kể, giúp chống lại vi khuẩn Pectobacterium carotovorum.
Bên cạnh đó, chiết xuất vỏ cây phượng có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại nấm như Penicillium selerotigenum và Paecilomyces variotii. Ngoài ra, chiết xuất từ vỏ cây phượng cũng như tinh dầu đều có tác dụng chống oxy hóa.
Hoạt tính hạ đường huyết: Theo tạp chí African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines, lá phượng vĩ là vị thuốc dân gian của Bangladesh và được dùng điều trị tiểu đường.
Một số bài thuốc từ cây phượng vĩ
Chữa đau bụng kinh
Cận cảnh bông hoa phượng vĩ |
Dùng hoa phượng đỏ phơi khô, nghiền thành bột mịn. Sau đó lấy khoảng 2-4 gam bột có thể trộn với mật ong (cho dễ uống).
Làm lành vết loét miệng
Làm bột từ vỏ cây phượng, sau đó đem trộn với mật ong. Sử dụng hỗn hợp này hàng ngày sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.
Hỗ trợ giảm đau do viêm khớp
Dùng lá cây phượng đỏ nhưng phải là lá vàng, nghiền nát rồi sắc làm thuốc uống hoặc đắp lên vị trí đau có tác dụng giảm đau.
Hấp thu độc tố của nọc bọ cạp
Nọc độc của bọ cạp có thể rất độc đối với cơ thể con người, thậm chí có thể gây tử vong nên cần được điều trị ngay lập tức nếu bị bọ cạp tấn công. Trong trường hợp khẩn cấp, cần làm sạch, sát khuẩn vết chích của bọ cạp rồi đưa người bị bọ cạp chích tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, cũng có thể lấy lá cây phượng đỏ, rang lên rồi nghiền nát và bọc trong một miếng vải rồi áp lên vết chích để làm giảm nọc độc của bọ cạp.
Khắc phục hói đầu và rụng tóc
Dùng lá cây phượng đỏ nghiền nát rồi trộn với nước nóng và thoa lên da đầu 1-2 lần mỗi tuần.
Hạ nhiệt khi bị sốt:
Lấy một ít rễ và vỏ của thân cây phượng vĩ, đem rửa cho sạch rồi chặt thành các phần nhỏ vừa phải. Sau đó, cho tất cả vào nồi và đổ hai chén rưỡi nước vào, nấu cho đến khi nước rút còn lại 1,5 chén thì tắt bếp, đem xuống, để nước thuốc bớt nóng.
Số lần dùng: chia nước thuốc thành 3 lần uống trong ngày, uống sau bữa ăn 15 phút.
Lưu ý khi sử dụng các bài thuốc từ cây phượng vĩ: Người bị dị ứng với cây phượng vĩ, người bị huyết áp thấp không nên dùng.
Trước khi sử dụng các bài thuốc cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.