Có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. |
Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều địa phương thiếu mặn mà
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Trong đó, Hà Nội có 3 dự án, 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.Hồ Chí Minh có 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%...
Đáng lưu ý, đến ngày 1/1/2025 thì Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà mới có hiệu lực thi hành, do vậy đến nay việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
Địa phương đăng ký nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Những vướng mắc chính
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Trước tình trạng này, đại diện một số chủ đầu tư lớn chỉ ra những vướng mắc chính qua quá trình triển khai thực tế, trong đó chủ yếu ở vấn đề thủ tục pháp lý, cơ chế ưu đãi và nguồn vốn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Vingroup, nói số thủ tục nhà ở xã hội hiện nay nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất, nhà ở xã hội còn phải xác định đối tượng được thuê, mua, thẩm định giá.
"Việc này khiến các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài. Tổng thời gian hoàn thành thủ tục từ lúc triển khai đến khi khởi công dự án thường mất khoảng 2 năm", ông Quang nói.
Theo lãnh đạo Vingroup, chính sách hỗ trợ cho đầu tư các hạng mục thương mại dịch vụ trong dự án nhà ở xã hội hiện chưa rõ ràng. Các công trình này trong các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn để phục vụ người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các công trình thương mại, dịch vụ thì dễ dẫn đến tăng chi phí, đội giá bán nhà ở xã hội.
Về nguồn vốn cho phát triển, mua, thuê nhà ở xã hội, việc tiếp cận trên thực tế vẫn chưa thuận lợi và lãi suất vẫn còn cao. Lãi áp dụng với chủ đầu tư là 8% một năm và 7,5% với người mua nhà.
Để thúc đẩy phát triển và giảm giá nhà ở xã hội thời gian tới, ông Quang đề nghị cơ quan quản lý cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Becamex, cũng đánh giá lãi suất cho người lao động vẫn cao và thời gian vay ngắn. "Nếu kéo dài thời gian vay, sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động sở hữu nhà ở xã hội", ông Huy nói.
Còn ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân - "trùm" nhà ở xã hội phía Nam, cho rằng gói vay 120.000 tỷ đồng chưa có sự đồng bộ về thời hạn vay giữa chủ đầu tư và khách mua nhà. Theo quy định hiện nay, khách hàng được vay 5 năm, còn chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm.
"Nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng vay 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm, rất mong Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu vấn đề này", ông Tuấn nói.
Về phía nhà băng, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VietinBank, lý giải bản chất gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, cơ sở xác nhận lãi suất là lãi suất cho vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Ông Sơn cho biết dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình này, lãi suất cho cả chủ đầu tư và khách hàng vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các gói hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách.
Tương tự, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nói rằng quá trình phê duyệt dự án phải linh hoạt. Theo ông, nhiều doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội nước ngoài như Hàn Quốc, Singapore đã vào Việt Nam nhưng đều vướng về phê duyệt quy hoạch tỷ lệ từ 1/2.000 đến 1/500.
Phía Vingroup đề nghị điều chỉnh lại suất vốn đầu tư nhà ở xã hội cho phù hợp thực tế; ban hành danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư; miễn giảm tiền thuê đất với các diện tích công trình dịch vụ thương mại; điều chỉnh lãi suất cho vay với cả chủ đầu tư và khách hàng.
Hoàng Quân đề xuất Chính phủ nghiên cứu dành một khoản từ 1-2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để gói 120.000 tỷ đồng mạnh và thành công hơn hiện nay. Đồng thời, ông cũng muốn gói vay này có thể áp dụng cho cả những dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành.