Toàn cảnh hội nghị |
Trong số 11 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua, thì có đến 3 dự án Luật thuộc trách nhiệm của Ủy ban Xã hội đảm nhiệm.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nghị dự thảo Luật cần tập trung vào các vấn đề về phạm vi sửa đổi, các hành vi bạo lực để bảo đảm bao quát các trường hợp bạo lực trong gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; nghiên cứu quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình để thu hút, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác này; đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự thảo Luật phải bảo đảm tính khả thi cao của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Phiên họp này, Uỷ ban Xã hội không chỉ chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ ba mà còn chuẩn bị cho hoạt động giám sát của Ủy ban từ nay đến cuối năm 2022 cũng như của năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao việc Ủy ban đã chọn các chuyên đề giám sát của năm 2022 rất thiết thực, đó là giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội và việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách.
Đồng thời bày tỏ hy vọng tại Phiên họp thứ 6 này, Ủy ban Xã hội sẽ thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát kèm theo Kế hoạch giám sát được xây dựng kỹ lưỡng, cụ thể: Lựa chọn địa bàn và đối tượng giám sát đúng và trúng; huy động sức mạnh tập thể và sự tham gia của đội ngũ chuyên gia để phát hiện vấn đề và đưa ra kiến nghị xác đáng đến các cơ quan, tổ chức.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội huy động các thành viên Ủy ban phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố nơi đại biểu ứng cử thực hiện giám sát về các nội dung này.
Bên cạnh đó, đề nghị từ nay đến cuối năm, Ủy ban Xã hội nghiên cứu, lựa chọn để tổ chức 1-2 phiên giải trình về những vấn đề người dân quan tâm, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan cũng như tuyên truyền để người dân hiểu rõ các chính sách xã hội.
Các ý kiến thảo luận tại buổi thẩm tra Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bám sát cách tiếp cận con người, đặc biệt là người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Bổ sung cách nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh. Trong đó có những vấn đề phát sinh mang tính thời cuộc.
Bà Nguyễn Thu Hà - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình |
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), bà Nguyễn Thu Hà - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong dự thảo Luật không đề cập cụ thể là nữ hay nam, mà tất cả ai cũng có thể bị bạo lực gia đình. Nhưng cũng cần chỉ rõ ràng, bởi trong điều kiện phát triển như hiện nay, dân trí tốt hơn, chị em phụ nữ cũng mạnh mẽ hơn nên đối tượng nam giới cũng bị bạo lực”.
Bày tỏ ủng hộ việc cần thiết sửa đổi Luật, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay, con cái do áp lực của cuộc sống, sự đòi hỏi về kinh tế và nhiều vấn đề khác, nên vấn đề chăm sóc bố mẹ ngày càng nặng hơn. Và cũng không ít những hành vi bạo lực với bố mẹ ruột thịt ngày càng nặng nề, vô cùng đau lòng….
Qua đó, các đại biểu thảo luận về các hành vi bạo lực mới để bổ sung vào Điều 4 dự thảo Luật, trong đó nhấn mạnh việc bạo lực về mặt tinh thần, phân biệt giới tính, định kiến giới. Đồng thời có ý kiến cho rằng 3 biện pháp hành chính xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình được đánh giá không hiệu quả, cần nên xem xét lại. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, cấm tiếp xúc trong phạm vi 50m cũng được thảo luận, cho ý kiến.
Theo các đại biểu, dự thảo Luật lần này đã kịp thời cập nhật để phù hợp với các Điều ước, cam kết Quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Uỷ ban các Công ước Nhân quyền./.