Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Sáng 8/9/2022, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với việc không áp dụng đối với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Theo đại biểu, số lượng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam không nhiều, các trường hợp người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình cũng rất ít. Do vậy, việc không áp dụng luật này với đối tượng này là hợp lý và cũng phù hợp với quan hệ đối ngoại, ngoại giao của nước ta với các nước khác.
Về xử lý tin báo bạo lực gia đình, dự thảo Luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó Chủ tịch xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, và có thể sẽ không ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình không.
Do vậy dự thảo Luật cần cân nhắc lại quy định này, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn luôn, không nhất thiết phải theo trình tự như quy định của dự thảo Luật, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc đối với nội dung về áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc sau khi khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra. Theo đó, trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì trong thời gian không quá 6 giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Đại biểu cho rằng, quy định thời gian như vậy là quá lâu. Bởi có những vụ việc bạo lực gia đình rất nguy hiểm, khi nhận tin báo cần phải được can thiệp ngay, nếu để quy định trong 6 giờ là không phù hợp, không kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo Luật và đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với dự thảo lần này.
Về nội dung của dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình và trên thực tế hàng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình là rất lớn.
Theo thống kê của Tổng đài 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của 1 Tổng đài, con số thực tế sẽ lớn hơn rất là nhiều. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Cụ thể, Điều 9 dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình hầu như không phù hợp. Nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại, thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình quy định ở Điều 17, 18 cũng không áp dụng với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em. Điều 25 cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Theo đại biểu, quy định này cũng không phù hợp khi người bị bạo lực gia đình là trẻ em và người gây bạo lực gia đình chính là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ em. Mục 5 Điều này cũng quy định khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, quy định này cũng không phù hợp, nếu đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể lựa chọn chỗ ở cho mình được.
Bởi vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 4 là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai... Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát để sửa một số lỗi về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật, nên thống nhất các khái niệm được sử dụng trong Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Nhất trí với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Việt Nga, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Theo đó, cần nêu rõ nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này trong báo cáo; tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật và cần có chương riêng trong dự thảo Luật về phòng chống bạo lực gia đình đối vơi trẻ em.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nêu rõ, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu ở tổ và hội trường về dự thảo Luật này có đến 28 nội dung đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình.
Một số nội dung đã được Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu nhưng trong dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình không hề có ý kiến về việc tiếp thu và giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Trong khi đây là vấn đề cần được hết sức chú ý trong luật này nhất là việc xác định trẻ em là đối tượng yếu thế đặc biệt, đề nghị bổ sung các biện pháp đặc thù, có quy trình đặc thù riêng cho nhóm đối tượng này trong phòng chống bạo lực gia đình.
Do đó, đại biểu kiến nghị là bổ sung 1 mục về giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình. Đồng thời đề nghị tách riêng một mục quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của nhóm đối tượng này.
Trong đó quy định về nguyên tắc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Đại biểu cho biết thêm, các quy định này sẽ không trùng với quy định của Luật Trẻ em, bởi Luật này sẽ quy định riêng và cụ thể hóa những nội dung về vấn đề bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng chỉ rõ còn một số nội dung chưa được tiếp thu, đề nghị tiếp tục nghiên cứu như về việc bổ sung riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu bia và các chất kích thích khác.
Nghiên cứu tiếp thu ý kiến về việc bổ sung quy định các hình thức tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học, trong trường hợp người bị bạo hành gia đình là trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến bổ sung địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình phù hợp với trẻ em. Đồng thời cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em.