Không có vùng cấm, không có ngoại lệ – từ chỉ đạo đến hành động
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất cứ ai”, đồng thời chỉ rõ các giải pháp cụ thể để đưa công tác này đi vào chiều sâu, thực chất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở – nhất là trong bối cảnh Thanh Hóa đang thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025–2030.
Trong bối cảnh toàn tỉnh đang thực hiện đồng bộ các chủ trương lớn về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp xã, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025–2030, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) đang được Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Theo báo cáo tại phiên họp, 6 tháng đầu năm 2025, Ban Chỉ đạo tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: hoàn thiện thể chế; tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc nghiêm trọng; đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng và xây dựng văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị.
Nhiều vụ việc, vụ án lớn có dấu hiệu sai phạm đã được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu kiểm kê, xử lý các công trình chậm tiến độ, dự án hiệu quả thấp và tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nêu rõ: “Công tác PCTNLPTC phải được tiến hành toàn diện ở mọi cấp, mọi ngành. Đây là một trong những tiêu chí then chốt để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền”.
Tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất cứ ai” tiếp tục được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh là nguyên tắc bất biến, xuyên suốt. Ông yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội nghiêm túc quán triệt và cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương, lấy kết quả PCTNLPTC làm một tiêu chí đánh giá uy tín tổ chức Đảng và cán bộ chủ chốt.
Trước yêu cầu cấp thiết của việc sáp nhập từ 195 xã xuống còn 133 đơn vị hành chính cấp xã kể từ ngày 1/7/2025, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy các xã mới nhanh chóng xây dựng và triển khai kế hoạch công tác PCTNLPTC, bắt đầu từ cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đặc biệt lưu ý: Việc rà soát nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025–2030 phải được tiến hành kỹ lưỡng, nghiêm túc, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, tránh để sai phạm phát sinh ngay trong công tác cán bộ – lĩnh vực then chốt của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
![]() |
Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa. |
Xây dựng “thương hiệu liêm chính” – lợi thế mềm trong phát triển bền vững
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính để giảm thiểu các khâu trung gian – môi trường dễ phát sinh tiêu cực. Các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính công, tài sản công, đầu tư công, công tác cán bộ... sẽ tiếp tục là trọng tâm kiểm tra, thanh tra chuyên đề trong thời gian tới.
Một nội dung đặc biệt quan trọng được Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh là công tác tuyên truyền. Theo ông, phải làm tốt việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về PCTNLPTC, nhân rộng điển hình liêm chính, dũng cảm đấu tranh với tiêu cực, đồng thời kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ nội bộ – đặc biệt trong thời điểm đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031.
Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực tham mưu và điều phối công tác PCTNLPTC. Mục tiêu là xây dựng Ban Nội chính thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “cơ quan liêm chính của liêm chính”, giữ vững vị trí then chốt trong hệ thống phòng, chống tiêu cực của Đảng bộ tỉnh.
Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo tỉnh được đánh giá là dấu mốc quan trọng, khẳng định quyết tâm chính trị cao, tinh thần hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa trong công tác PCTNLPTC. Đây cũng là tiền đề vững chắc để đưa nhiệm vụ này ngày càng đi vào chiều sâu, bài bản, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong giai đoạn mới.
Không chỉ là nhiệm vụ chính trị, công tác PCTNLPTC còn là yếu tố cấu thành giá trị thương hiệu địa phương – nơi chính quyền các cấp hành động minh bạch, công khai, hiệu quả và đặt niềm tin của người dân làm trung tâm.
Với định hướng đó, Thanh Hóa đang dần định hình hình ảnh một tỉnh “liêm chính – kỷ cương – hành động – phục vụ phát triển”, được lan tỏa từ cấp cao nhất của Đảng bộ tỉnh đến chính quyền các cấp và toàn thể hệ thống chính trị.
Trong khu vực công, việc chuyển mạnh sang môi trường làm việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, một cửa điện tử – không chỉ tiết kiệm chi phí xã hội mà còn giảm thiểu nguy cơ “tham nhũng vặt”, nâng cao uy tín của chính quyền các cấp.
Trong cộng đồng dân cư, hình ảnh cán bộ liêm chính, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân đang ngày càng được tôn vinh, tạo thành “chuẩn mực mới” trong văn hóa công vụ. Đó chính là tài sản vô hình nhưng vô giá – một phần của thương hiệu chính trị – hành chính tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn mới.
Thanh Hóa đang từng bước biến “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” không chỉ là khẩu hiệu chính trị, mà là lợi thế mềm, là nền móng xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, xã hội công bằng và hệ thống chính quyền liêm chính.