Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) |
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Từ những lý do nêu trên cho thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích của những người yếu thế
Nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật trong bảo vệ quyền, lợi ích của những người yếu thế, đặc biệt là đối tượng trẻ em trong các vụ việc bạo lực gia đình, ông Lê Mạnh Hà, Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Dự thảo Luật sửa đổi cần bổ sung các quy định đặc thù về giới, độ tuổi đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra hành vi bạo lực là trẻ em, bao gồm: các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.
Theo đại diện Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh, dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư cho người bị bạo lực, đặc biệt là trẻ em, cần shỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý; bảo đảm trẻ được phục hồi, tái hòa nhập và phát triển toàn diện sau khi bị bạo lực. Đồng thời, bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế (trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, bệnh tật, phụ nữ có thai) bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hình thức răn đe, xử lý người có hành vi bạo lực, các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình gắn với các quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cùng quan tâm về việc bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng yếu thế, bà Trần Thị Đoan Trang, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần bổ sung vào Điều 11 Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về "quyền của người bị bạo lực gia đình được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực gia đình”. Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, qua các trường hợp thực tế, người phải ra khỏi nhà đều là người bị bạo lực gia đình.
Tăng cường biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích của người yếu thế trong phòng, chống bạo lực gia đình |
Chia sẻ quan điểm trên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trên thực tế, đa số nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và lại là người phải tạm lánh, chạy trốn khỏi nơi ở; trong khi người bạo hành thì không phải ra đi. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng có những biện pháp xử lý thỏa đáng với người bạo hành. Đồng thời, trong Dự thảo Luật cần chi tiết, cụ thể hóa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình tại các địa phương.
Bàn về vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk Phạm Thị Hồng Thắng, cho rằng cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư trong công tác tuyên truyền, truyền thông; xây dựng mô hình tổng hợp trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; cần quy định các chính sách nhằm tăng cường việc khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình,...
Cần quy định rõ về nội dung trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan tâm đến nội dung trợ giúp pháp lý trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo đó, quy định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chưa ghi nhận về nội dung trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình không có khả năng chi trả phí sử dụng dịch vụ pháp lý để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Đến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Quốc hội đã thông qua quy định nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo hoặc đang được hưởng trợ cấp hàng tháng) được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước (điểm e khoản 7 Điều 7). Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Điều 7, nếu nạn nhân bị bạo lực gia đình nếu thuộc hộ nghèo hoặc là đối tượng trẻ em/người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.... thì cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Để bảo đảm thuận lợi trong quá trình phối hợp, triển khai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, nhiều chuyên gia đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi nghiên cứu bổ sung một số nội dung gồm: ghi nhận quyền được trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý; ghi nhận các hình thức trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, cụ thể: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng; ghi nhận trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cường sự phối hợp trong phát hiện và giải quyết các vấn đề về bạo lực cho nạn nhân bị bạo lực có khó khăn về tài chính, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ họ kịp thời, đầy đủ theo nhiều phương diện như về tâm lý, y tế, nơi ở, tư vấn pháp lý và trong quá trình xét xử vụ việc bạo lực gia đình,….
Nhấn mạnh một trong những khó khăn hiện nay là làm sao để các nạn nhân bị bạo lực tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nêu trên một cách thuận lợi, các chuyên gia cho rằng cần quy định vấn đề phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (trong đó có các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý) về vấn đề phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân bị bạo lực gia đình để họ được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, các chuyên gia góp ý có thể quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) về Đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình cũng là một cách thức truyền thông và thông tin về bạo lực gia đình. Đường dây quốc gia này thì có sự liên thông, kết nối với các danh sách cơ quan, tổ chức hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực để được tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng miễn phí, kịp thời, đầy đủ./.