Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổ

Sáng ngày 08/9/2022, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổ
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp

8h00 sáng ngày 08/9/2022, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

11h14: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên thảo luận sáng nay có 14 ý kiến trao đổi của các đại biểu Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và 12 ý kiến góp ý trao đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tất cả ý kiến đăng ký đều được phát biểu. Bộ phận chuyên môn đã ghi chép, ghi âm đầy đủ các ý kiến. Sau phiên họp này, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

11h12: Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Quy định về công việc phục vụ cộng đồng đã đảm bảo các yếu tố ngoại lệ, không bị coi là động cưỡng bức

Góp ý kiến tại hội nghị về quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, có nhiều trường hợp ngoại lệ không được coi là lao động mặc dù có đủ các dấu hiệu.

Theo Điều 33, các công việc phục vụ cộng đồng gồm các hoạt động: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Danh mục công việc quy định tại khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, đề xuất của cộng đồng.

Như vậy, việc quy định về danh mục các công việc phục vụ cộng đồng như dự thảo luật là phù hợp, bởi đã được cộng đồng tham gia quyết định danh mục công việc của cá nhân, đảm bảo các yếu tố ngoại lệ, không bị coi là động cưỡng bức.

11h09: Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Rà soát nội dung thực hiện công việc cộng đồng, đảm bảo tương thích với công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia

Tham gia thảo luận, đại biểu cho biết, về việc bổ sung biện pháp thực hiện công việc cộng đồng, Điều 33 của dự thảo Luật quy định: Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo đề nghị của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình và theo nhu cầu của cộng đồng.

Về quy định này, đại biểu cho rằng công việc này không phải là tự nguyện, dễ bị quy kết là cưỡng bức lao động. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ quy định này để đảm bảo tương thích với công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia.

11h03: Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành quan tâm đến tính khả thi của Luật. Theo đó, Ban soạn thảo cần làm rõ Điều 3 của dự án Luật về các hành vi bạo lực gia đình cùng 15 nhóm quy định chung với toàn bộ các chế tài như: tố giác, báo tin, cưỡng chế... Bởi nếu không làm rõ thì có thể tạo nên hiệu ứng phức tạp, ngược tác dụng.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, với 15 nhóm quy định hành vi bạo lực gia đình thì phải quy định rất rõ tính chất, mức độ, hành vi và đề nghị Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm: bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các hành vi bạo lực khác cũng như xác định mức độ của các hành vi bạo lực này để cơ quan chức năng áp dụng các loại chế tài phù hợp.

10h59: Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Gang: Giải trình thêm về các biện pháp đặc thù trong phòng, chống bạo lực gia đình

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cung cấp thêm thông tin và giải thích thêm về hành vi tại sao có sự cố ý bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật mà xảy ra trong gia đình thì đều có thể xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra các biện pháp đặc thù để xử lý hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu phân tích cùng một hành vi gây thương tích cho người trong gia đình nhưng nếu vô ý gây thương tích thì không thể cách ly họ, mà chỉ cần giáo dục, thuyết phục... để xử lý vấn đề, vì mục tiêu chính là bảo vệ gia đình. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, các giải pháp được đặt ra trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng như vậy. Liên quan đến đối tượng ly hôn bị bạo lực gia đình, câu chuyện xảy ra là áp dụng các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quan hệ sau ly hôn rất phức tạp, là quan hệ đặc biệt. Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa, hành hạ người đã ly hôn rồi thì có thể áp dụng biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc. Đây là các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta đều thấy bạo lực gia đình xảy ra sau ly hôn. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc mà còn có biện pháp hỗ trợ nạn nhận bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cũng giải trình thêm về Điều 20 của dự thảo Luật. Điều 33 “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, đại biểu nhận thấy đây là giải pháp rất mới, vì thực tiễn phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua cho thấy, các biện pháp xử lý hành chính hiệu quả rất thấp. Trước đây mới chỉ có biện pháp phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư – đây là biện pháp rất hiệu quả, thì dự thảo Luật hiện bổ sung thêm biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Theo đại biểu, tham khảo kinh nghiệm tại Hàn Quốc thì họ cũng áp dụng biện pháp này và rất hiệu quả.

10h52: Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Làm rõ hơn khái niệm “bạo lực gia đình”

Góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết, tại Khoản 1, Điều 2 về giải thích từ ngữ quy định khái niệm về bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Đại biểu cho rằng, nếu so sánh với toàn bộ các quy định tại Điều 3 về hành vi bạo lực gia đình, có rất nhiều hành vi bao gồm cả những hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để gây tổn hại đến về cả thể chất, tinh thần, làm sang chấn tâm lý của các thành viên trong gia đình mình…

Do vậy, nếu chỉ quy định khái niệm như dự thảo Luật là chưa rõ. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về khái niệm về bạo lực gia đình, theo hướng quy định bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi được quy định trong Điều 3; đảm bảo thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ Luật hình sự về những tội danh tội hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác…

10h47: Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Rà soát quy định về tổ chức thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý thống nhất với Luật trợ giúp pháp lý

Tham gia ý kiến thảo luận đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung về tổ chức thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý.

Theo đó, tại khoản 1 của Điều 30 tư vấn, trợ giúp pháp lý về bạo lực gia đình, trong đó điểm a, người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Điều 38 của dự thảo luật có ghi: Cơ sở trợ giúp xã hội và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Khoản 2 quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, nội dung này chưa phù hợp với Luật trợ giúp pháp lý, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Liên quan đến các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tại Điều 27 của Luật trợ giúp pháp lý quy định rất rõ các dịch vụ được cung cấp đó là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Tuy nhiên, tại Điểm a, khoản 1, Điều 30 dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang quy định là người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn. Đại biểu cho rằng đây là một trong những hoạt động và nội dung quyền trợ giúp pháp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ hỗ trợ dịch vụ tư vấn, chỉ quy định “người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý” là phù hợp.

Liên quan đến tổ chức thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý, theo Luật trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không chỉ là Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố, mà các tổ chức khác cũng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 10 của Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm: các tổ chức luật sư và các tổ chức khác được giao được thực hiện trợ giúp pháp lý theo luật và tổ chức luật sư hành nghề luật sư và tổ chức khác khi đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp hoặc đăng ký hoạt động và đăng ký hành nghề. Trên cơ sở đó sẽ được cấp phép hoạt động và Sở Tư pháp sẽ ký hợp đồng đối với tổ chức hành nghề luật sư này. Vì vậy, nếu chỉ quy định tổ chức trợ giúp pháp lý là Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước là chưa đầy đủ theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung đầy đủ theo đúng quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

Vấn đề thứ hai đại biểu Hồ Thị Kim Ngân quan tâm, tham gia góp ý liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, nội dung này đang được thiết kế tại ba điều: Tại Điều 6 về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; tại Điều 12 quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 34 về bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, cùng một chính sách của nhà nước liên quan đến hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình có thiệt hại về tính mạng, tài sản, về sức khỏe nhưng được thiết kế chưa thống nhất.

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 6 quy định chính sách của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình nếu bị thiệt hại về sức khỏe, khỏe, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật, tức là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản thì được hỗ trợ được hưởng chế độ. Còn Điều 12, Điều 34 quy định trường hợp người tham gia thiệt hại về sức khỏe và tài sản được hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Đại biểu cho rằng nội dung liên quan đến thiệt hại về tính mạng thì lại không được thể hiện tại Điều 12 và Điều 34 liên quan đến chính sách của nhà nước.

Ngoài ra, quy định được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật, đại biểu đề nghị quy định rõ các chế độ cụ thể là chế độ nào; Điều 12 và Điều 34 thì chỉ nêu hỗ trợ theo quy định, nhưng Điều 34 hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; đại biểu đề nghị cần phải thiết kế đảm bảo thống nhất và hoàn thiện. Bởi theo quy định của pháp luật, có thể là luật, pháp lệnh là nghị quyết là nghị định, thông tư; còn theo quy định của Chính phủ đó là nghị định, nghị quyết.

10h43: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Rà soát đảm bảo thống nhất Luật này với Luật Hôn nhân và gia đình

Đưa ra quan điểm thảo luận, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh chỉ ra rằng, tại điểm O, Khoản 1, Điều 3 có quy định “Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính”. Đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này để đảm bảo với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái của cha mẹ. Đồng thời cũng làm rõ khái niệm như thế nào là lao động quá sức, học tập quá sức và hậu quả của việc ép buộc này cụ thể như thế nào.

Tán thành các nội dung tại Điều 11 về trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu chỉ ra rằng, bên cạnh việc giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực; chăm sóc người bị bạo lực gia đình…thì cần bổ sung các quy định về trách nhiệm báo tin về vụ việc bạo lực gia đình, giám sát các biện pháp nhằm bảo vệ thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ tán thành cao khi dự Luật bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. Theo đại biểu việc quy định như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời chấm dứt, khắc phục các vụ việc về bạo lực gia đình.

10h38: Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, về hành vi bạo lực gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ, hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình, không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn, trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định tại khoản 1 Điều 3 để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.

Về vấn đề trợ giúp pháp lý, Điểm d, khoản 1, Điều 9 quy định: Người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa rõ ràng, tường minh, không thống nhất với Luật Trợ giúp pháp lý. Đại biểu cho rằng cần quy định: Người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đại biểu, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 30 của dự thảo Luật: “Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”.

10h32: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Đề nghị xem xét, quyết định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để đưa vào dự án luật các quy định đặc thù thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân đối với các trường hợp mà người bị bạo lực là trẻ em và người gây bạo lực là trẻ em. Theo đó, đề nghị đưa vào dự thảo luật bao gồm các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp để bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; đồng thời phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị cân nhắc và xem xét lại quy định tại Khoản 2, Điều 3 quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với vấn nạn ly hôn. Theo đó, cần làm rõ hơn quy định về hành vi bạo lực gia đình nêu tại Khoản 1 điều này thì chỉ xác định hành vi bạo lực gia đình khi xảy ra trong phạm vi gia đình giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Còn các hành vi xảy ra ngoài phạm vi gia đình thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật mà các trường hợp này thì tùy theo tính chất, mức độ để xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành như pháp luật về hình sự, pháp luật vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hôn nhân gia đình...

Theo đó, đề nghị xem xét, quyết định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con, không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ. Tại quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định cụ thể ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Chính vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc đối với quy định này.

10h26: Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Dự thảo Luật cần có mục riêng quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình

Nhất trí với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Việt Nga phát biểu trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa bày tỏ quan tâm đến các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Theo đó, cần nêu rõ nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này trong báo cáo; tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật và cần có chương riêng trong dự thảo Luật về phòng chống bạo lực gia đình đối vơi trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nêu rõ, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu ở tổ và hội trường về dự thảo Luật này có đến 28 nội dung đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình. Một số nội dung đã được Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu nhưng trong dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình không hề có ý kiến về việc tiếp thu và giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Trong khi đây là vấn đề cần được hết sức chú ý trong luật này nhất là việc xác định trẻ em là đối tượng yếu thế đặc biệt, đề nghị bổ sung các biện pháp đặc thù, có quy trình đặc thù riêng cho nhóm đối tượng này trong phòng chống bạo lực gia đình.

Do đó, đại biểu kiến nghị là bổ sung 1 mục về giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình. Đồng thời đề nghị tách riêng một mục quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của nhóm đối tượng này. Trong đó quy định về nguyên tắc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Đại biểu cho biết thêm, các quy định này sẽ không trùng với quy định của Luật Trẻ em, bởi Luật này sẽ quy định riêng và cụ thể hóa những nội dung về vấn đề bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng chỉ rõ còn một số nội dung chưa được tiếp thu, đề nghị tiếp tục nghiên cứu như về việc bổ sung riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu bia và các chất kích thích khác. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến về việc bổ sung quy định các hình thức tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học, trong trường hợp người bị bạo hành gia đình là trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến bổ sung địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình phù hợp với trẻ em. Đồng thời cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em.

10h20: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo Luật và đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với dự thảo lần này.

Về nội dung của dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình và trên thực tế hàng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình là rất lớn.

Theo thống kê của Tổng đài 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của 1 Tổng đài, con số thực tế sẽ lớn hơn rất là nhiều. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cụ thể, Điều 9 dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình hầu như không phù hợp. Nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại, thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình quy định ở Điều 17, 18 cũng không áp dụng với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em. Điều 25 cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Theo đại biểu, quy định này cũng không phù hợp khi người bị bạo lực gia đình là trẻ em và người gây bạo lực gia đình chính là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ em. Mục 5 Điều này cũng quy định khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, quy định này cũng không phù hợp, nếu đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể lựa chọn chỗ ở cho mình được.

Bởi vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 4 là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai... Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát để sửa một số lỗi về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật, nên thống nhất các khái niệm được sử dụng trong Luật.

10h14: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất với việc không áp dụng đối với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Theo đại biểu, số lượng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam không nhiều, các trường hợp người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình cũng rất ít. Do vậy, việc không áp dụng luật này với đối tượng này là hợp lý và cũng phù hợp với quan hệ đối ngoại, ngoại giao của nước ta với các nước khác.

Về xử lý tin báo bạo lực gia đình, dự thảo Luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó Chủ tịch xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, và có thể sẽ không ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình không. Do vậy dự thảo Luật cần cân nhắc lại quy định này, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn luôn, không nhất thiết phải theo trình tự như quy định của dự thảo Luật, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc đối với nội dung về áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc sau khi khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra. Theo đó, trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì trong thời gian không quá 6 giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đại biểu cho rằng, quy định thời gian như vậy là quá lâu. Bởi có những vụ việc bạo lực gia đình rất nguy hiểm, khi nhận tin báo cần phải được can thiệp ngay, nếu để quy định trong 6 giờ là không phù hợp, không kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

10h12: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được dư luận xã hội, cử tri, Nhân dân rất quan tâm quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo 16 trang của Ủy ban Xã hội của Quốc hội gửi tới các đại biểu đã nêu 16 vấn đề tiếp thu, giải trình và chỉnh lý; đồng thời trong báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật đã tóm tắt các vấn đề còn ý kiến khác nhau và 5 điểm mới của dự thảo luật.

Trên tinh thần quán triệt trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về 6 vấn đề nêu trong phần gợi ý thảo luận của báo cáo tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, các đại biểu có thể trao đổi về những nội dung khác đại biểu quan tâm.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐBQH BÊN LỀ HỘI NGHỊ SÁNG 08/9/2022

9h52: HỘI NGHỊ NGHỈ GIẢI LAO

9h49: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Bổ sung một điều về làm luật, sửa đổi luật và hoạt động giám sát trong Nội quy kỳ họp

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, tại Chương I, Luật tổ chức Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội từ Điều 4 chưa đến 20, các nội dung này cơ bản được quy định trong nội quy kỳ họp, trong đó bổ sung mới nội dung quyết định các vấn đề kinh tế xã hội được quy định tại Điều 49, 50, 51 dự thảo nghị quyết. Như vậy, nội dung quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội, bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, phê chuẩn các chức danh, bổ nhiệm, miễn nhiệm, tín nhiệm, quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chính quyền, thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định chiến tranh hòa bình… đều được quy định trong dự thảo.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng có hai vấn đề rất quan quan trọng, chiếm phần lớn thời gian trong mỗi kỳ họp là vấn đề làm luật, sửa đổi luật và giám sát tối cao thì không thấy bóng dáng trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Trong khi đó, tại Điều 49 về hồ sơ trình Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội lại được quy định chi tiết. Theo đại biểu, vấn đề này không liên quan nhiều đến nội quy kỳ họp.

Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề làm luật, sửa đổi luật, giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được quy định trong các luật như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, các Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, việc đề cập đến hầu hết các nội dung được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội trong dự thảo Nội quy kỳ họp liệu đã bao quát chưa, trong khi hai vấn đề chính chưa hề được đề cập.

Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung một điều đề cập đến vấn đề về làm luật, sửa đổi luật và hoạt động giám sát, trong đó nêu rõ đã được quy định tại văn bản pháp luật khác để đảm bảo tính toàn diện, bao quát hơn.

9h43: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Quy định rõ việc đại biểu thông tin tới báo chí các nội dung trong Kỳ họp

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong các Kỳ họp, đại biểu Quốc hội có quyền tổ chức họp báo, thông tin báo chí về những nội dung cử tri quan tâm. Đây là một kênh truyền thông rất tốt, góp phần giải đáp nhiều vấn đề dự luận, cử tri cả nước quan tâm, đáp ứng yêu cầu của nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào nội quy quy định về vấn đề này, nêu rõ khi đại biểu cần tổ chức họp báo hoặc thông tin báo chí thì đăng ký thế nào.

Quan tâm đến Điều 46 về trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về nội dung này để đảm bảo tính hợp lý, khả thi khi đưa vào áp dụng.

Dự thảo Nghị quyết quy định, khi nghỉ các phiên họp tại Kỳ họp thì phải báo cáo, tuy nhiên, trong trường hợp các Ủy ban tổ chức họp tiếp thu kịp thời ý kiến đại biểu Quốc hội trùng giờ với lịch họp Quốc hội, thì dự thảo Nghị quyết chưa nêu rõ quy định. Đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo khả thi, hợp lý trong tổ chức thực hiện.

Về quyền phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại các phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, một vấn đề nổi lên là các ý kiến phát biểu trùng lắp nhau, gây nhàm chán, làm giảm chất lượng thảo luận, trong khi còn có nhiều ý kiến quan trọng, đáng quan tâm khác thì không đủ thời gian để phát biểu. Đại biểu cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần đến tinh thần trách nhiệm của các đại biểu cũng như các thức điều hành linh hoạt, hợp lý của Chủ tọa phiên họp.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu thêm để quy định rõ về các tình huống bất khả kháng diễn ra tại Kỳ họp như cháy nổ, dịch bệnh…để có sự ứng phó kịp thời và chủ động.

9h38: Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Bổ sung quy định để bảo đảm kiên quyết không tiến hành thẩm tra các dự án, dự thảo khi chưa đủ hồ sơ, tài liệu

Cơ bản thống nhất với sự cần thiết và các nội dung sửa đổi Nội quy kỳ họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao và nhất trí với 32 vấn đề mới trong dự thảo Nội quy kỳ họp được chuẩn bị công phu bảo đảm hợp Hiến, hợp pháp và góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả kỳ họp Quốc hội và hoạt động Quốc hội nói chung.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, liên quan đến tài liệu phục vụ kỳ họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ thống nhất với nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó, đồng thời đề xuất bổ sung vào nội quy bên cạnh nêu rõ danh sách tài liệu chính thức và tên cơ quan tổ chức gửi chậm cần có thêm thông tin về thời gian chậm gửi. Đây là cơ sở để đại biểu Quốc hội cân nhắc đánh giá về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó cần phải bổ sung vào nội quy kiên quyết không tiến hành thẩm tra các dự án, dự thảo khi chưa đủ hồ sơ, tài liệu cũng như hồ sơ không đúng thời gian quy định.

Về thời gian phát biểu tại phiên họp toàn thể, đại biểu cho rằng quy định phát biểu lần 2 của đại biểu Quốc hội không quá3 phút là không phù hợp và kiến nghị Ban soạn thảo nên quy định theo hướng để chủ trì phiên họp được quyền quyết định vấn đề này cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng nội dung.

Về phiên họp tại Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu đề nghị bổ sung vị trí của Phó trưởng Đoàn phụ trách trong việc điều hành phiên họp tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Về phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội được tổ chức trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ tiêu chí về những phiên họp nào phải thông báo đến các vị đại biểu Quốc hội, hình thức thông báo; đồng thời cần cân nhắc nội dung này thống nhất với Quy chế phối hợp hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các trưởng cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cứng đối với những nội dung mà các vị đại biểu Quốc hội chưa có sự đồng thuận hoặc là còn ý kiến khác nhau thì trong phiên họp tiếp thu giải trình này thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cần mời các đại biểu để tiếp tục nghe những nội dung đó.

9h31: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế: Tạo điều kiện để cử tri nhân dân đăng ký dự thính phiên họp Quốc hội theo quy định

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc Trưởng Đoàn ĐBQH không thể tham dự thì báo cáo ai? Với quy định về việc vắng mặt tổng số 2 ngày trở lên thì báo cáo bằng văn bản, thì 2 ngày đó là 2 ngày liên tiếp, hay 2 ngày trong cả kỳ họp?

Khoản 5 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.” Đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước hơn. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri nhân dân nắm bắt, đăng ký tham dự theo quy định.

Về lưu trữ tài liệu kỳ họp, đại biểu đề nghị xem xét việc lưu trữ tài liệu ghi âm của các đại biểu tại Kỳ họp, phiếu biểu quyết, tài liệu khác liên quan bên cạnh tài liệu chính thức đã được sử dụng tại Kỳ họp như Luật, Nghị quyết của Quốc hội để tránh quá tải.

9h29: Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Nên giao cho Chính phủ thực hiện những nội dung có tính chất chuyên sâu về tài chính, kỹ thuật, công nghệ

Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội là cần thiết để phù hợp với sự thay đổi của tình hình hiện nay như dịch bệnh Covid-19 buộc Quốc hội phải họp trực tuyến hoặc là để bổ sung những nội dung mà Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 chưa quy định. Ví dụ như việc trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được bầu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng đồng ý với sự dự thảo Nghị quyết tại Điều 51 về thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế -xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ. Vì những lý do Báo cáo số 1071 của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã nêu, rõ ràng là những nội dung có tính chất chuyên sâu về tài chính, kỹ thuật, công nghệ nếu giao cho các Ủy ban của Quốc hội thực hiện thì không đủ nguồn lực để phân tích, đánh giá. Do đó, không nên giao cho các Ủy ban của Quốc hội mà nên giao cho Chính phủ thực hiện là phù hợp.

09h21: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội

Góp ý về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, việc ban hành nội quy quy họp nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội, đồng thời để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, đảm bảo hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua đối chiếu với các văn bản có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hợp đồng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai nhận thấy, nhiều nội dung trong nội quy này còn quy định lại những nội dung đã có trong các văn bản nêu trên. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, loại bỏ những nội dung này trong Nội quy kỳ họp, nếu có thì chỉ có thể quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để dễ triển khai thực hiện.

Về chương trình của kỳ họp, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội. Thời gian đọc các đề án, tờ trình, báo cáo bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua các quyết định bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin, có đủ thời gian để nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề khi quyết định; tăng thời lượng thảo luận tại các phiên họp toàn thể, giảm thời lượng thảo luận tổ, nâng cao chất lượng thảo luận tổ; trong thảo luận khi một vấn đề có ý kiến trái chiều, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chủ tọa kỳ họp bố trí thời gian để thảo luận chung trước khi xin ý kiến đại biểu nhằm làm sáng tỏ vấn đề hơn. Qua thảo luận, các đại biểu sẽ có thêm thông tin chính xác hơn trước khi biểu quyết thông qua.

Về Điều 3 dự thảo có quy định trường hợp không thể tham gia dự phiên họp dưới 02 ngày, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự họp Quốc hội hoặc vắng mặt tổng số 02 ngày trở lên thì phải báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản dân Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, với quy định trên sẽ không linh hoạt và có thể phát sinh những công việc đột xuất nên đại biểu không biết trước mình sẽ vắng mặt tổng số là bao nhiêu. Do đó, để đảm bảo sự linh hoạt, thuận lợi trong việc điều hành của Chủ tịch Quốc hội cần sửa đổi lại quy định trên theo hướng: Chỉ trong trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 02 ngày liên tục trở lên tại kỳ họp mới do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Đồng thời bổ sung quy định cụ thể về thời hạn đại biểu gửi văn bản đến Trưởng đoàn và Tổng Thư ký Quốc hội có thời gian quyết định cho phép hoặc không cho phép vắng mặt trong thời hạn nhằm đảm bảo đại biểu có trách nhiệm tham gia đầy đủ Kỳ họp - đó là quyết định của Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời đề nghị Quốc hội bỏ quy định điểm danh bằng phiếu điểm danh. Cần ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn, hiện nay Văn phòng Quốc hội có thể điểm danh thông qua thẻ đại biểu Quốc hội, hình ảnh đại biểu trực tiếp tại hội trường và những phương tiện khác.

915: Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đề nghị mời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự các phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Góp ý tại hội nghị, Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội hoan nghênh Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, điều này thể hiện rất rõ Quốc hội đã bám sát vào thực tiễn cuộc sống của dân, vì tình hình của đất nước.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội, tại Điều 12 về tổng kết kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nội dung quan trọng nhất đó là đánh giá chất lượng kỳ họp, chất lượng của đại biểu tham gia của kỳ họp cần được cân nhắc, đánh giá cụ thể.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm chủ tọa - người được phân công điều hành kỳ họp, tại khoản 2 điểm b quy định: “mời từng đại biểu Quốc hội phát biểu theo thứ tự đăng ký”, theo đại biểu điều này là đúng quy định tuy nhiên đề nghị lực cần đảm bảo số đại biểu được phát biểu tại Đoàn đại biểu Quốc hội, ví dụ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bởi mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu là độc lập, không có đại biểu nào thay mặt đại biểu khác trong Đoàn ĐBQH phát biểu. ĐBQH chỉ đại diện cho cử tri phát biểu, trong khi đó số lượng cử tri ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh là 9-10 triệu dân khác với những tỉnh, thành có số cử tri ít hơn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn ban soạn thảo cân nhắc kiến nghị có thể cho Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh có 5 đại biểu phát biểu.

Về thời gian tranh luận, đại biểu đề nghị không quá 3 phút để nói rõ vấn đề, nói quá ngắn sẽ không nói hết vấn đề, bởi những vấn đề tranh luận thường phức tạp, gay cấn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với quy định tại Điều 5 về khách được mời tham dự Kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh thành dự các phiên chất vấn. Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn. Điều 6 quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, theo đại biểu tên gọi như vậy chưa đủ ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị bổ sung tên Điều 6: “Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với kỳ họp Quốc hội”.

Về việc vắng mặt tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu đề nghị được phép thì đại biểu mới có thể nghỉ; đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 30% thời gian kỳ họp. Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo có biện pháp để đảm bảo đại biểu Quốc hội được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình. Phát biểu của đại biểu có ý kiến chín, có ý kiến chưa chín, thậm chí là trái chiều, thậm chí là khác biệt, phải thấy đó là dân chủ, đó là cần thiết, quyết định vẫn là bấm nút cuối cùng, đừng vì những ý kiến chưa chin, chưa hay mà phản đối, phê phán bới móc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cần có biện pháp để bảo vệ cho đại biểu Quốc hội.

9h09: Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Nên bổ sung quy định công bố và trao quyết định cho Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH

Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, quy định về việc tổ chức Kỳ họp bất thường đã cụ thể hóa nội dung về Kỳ họp Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội họp theo thường lệ hay họp bất thường đều phải tuân thủ đầy đủ nội dung, quyền hạn của Quốc hội theo luật định, và được thực hiện theo quy trình thống nhất chung. Vì vậy, đại biểu cho rằng quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức Kỳ họp bất thường” là chưa hợp lý. Theo đại biểu, cần thống nhất quy trình tổ chức Kỳ họp bất thường giống như Kỳ họp thường lệ, phải do Quốc hội quyết định theo đúng thẩm quyền.

Quan tâm đến quy định về bầu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, đại biểu Hoàng Đức Thắng chỉ rõ, Điều 42 dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể về trình tự thủ tục bầu chức danh này. Quy trình này kết thúc bằng việc Chủ tọa phiên họp hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phê chuẩn gồm: Tờ trình, Biên bản họp Đoàn, biên bản kiểm phiếu theo mẫu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung: Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, công bố và trao quyết định cho Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH để đảm bảo sự trang trọng. Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung điều khoản về việc bảo đảm cơ sở vật chất, ăn nghỉ đi lại cho đại biểu trong quá trình tham dự Kỳ họp. Có các biện pháp phòng ngừa, xử lý trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, bảo đảm an toàn chăm sóc sức khóe y tế cho các đại biểu khi tham dự Kỳ họp. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể về trang phục, hành vi của các đại biểu khi dự họp, trong các nghi lễ tại Kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm trong các hoạt động của Quốc hội.

9h02: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cương quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, dự thảo ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này cần cương quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu.

Đại biểu nêu rõ, việc gửi chậm tài liệu đã trở thành vấn đề tồn tại ở mỗi Kỳ họp, lâu nay chúng ta vấn cho rằng tài liệu chậm thường do Chính phủ gửi chậm, tuy nhiên cũng có trường hợp việc chậm này là do cả ở cơ quan thẩm tra. Do vậy, đại biểu cho rằng, các cơ quan cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ, quy định thật cụ thể các chế tài đối với những cơ quan, đơn vị gửi chậm vào trong dự thảo Nghị quyết, thể hiện sự cương quyết, khắc phục bằng được vấn đề này. Có như vậy, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan soạn thảo mới không dám gửi chậm nữa.

8h56: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp

Tham gia phát biểu ý kiến, Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, cử tri và nhân dân có phản ánh về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt trong Kỳ họp, các phiên họp quan trọng. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu cho rằng Nghị quyết cần có quy định cụ thể về quy trình xin nghỉ họp do điều kiện bất khả kháng, để nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng trong các phiên thảo luận, có những ý kiến trùng lắp giữa các đại biểu, làm lãng phí thời gian, giảm chất lượng thảo luận. Đại biểu cho rằng các đại biểu cần có ý thức cao, có cần tinh thần tự giác, trách nhiệm để lược bỏ các nội dung trùng lắp khi phát biểu. Đồng thời, để khắc phục tình trạng này, cũng cần phát huy vai trò quan trọng của người điều hành phiên họp.

Về quyền phát biểu của đại biểu khi tham gia họp trực tuyến, đại biểu cho biết, có những trường hợp không kết nối được để đại biểu từ điểm cầu khác phát biểu, nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật. Đại biểu cho rằng cần có quy định nêu rõ, trong trường hợp này, những nội dung dự kiến phát biểu cần gửi ngay cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, tiếp thu. Đồng thời cần nâng cao hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tránh lỗi kỹ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng phiên họp.

Đại biểu cũng cho rằng, các nội dung quan trọng thì đưa vào họp trực tiếp thay cho trực tuyến. Ngoài ra, về hình thức xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đại biểu cho rằng Văn phòng Quốc hội nên nghiên cứu tiến hành hình thức này qua hệ thống điện tử, đảm bảo khách quan, chính xác, hiện đại, tiết kiệm.

8h49: Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Huy bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội với các mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo nội quy kỳ họp được nêu tại dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Góp ý về các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Huy thống nhất với quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung tại các phiên họp của kỳ họp và nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân.

Về sửa đổi quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi vắng mặt tại phiên họp, đại biểu thống nhất với dự thảo quy định trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội hoặc là vắng mặt từ 2 ngày trở lên là phải báo cáo bằng văn bản, nêu rõ lý do đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và đồng thời là phải gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo với Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung thêm thành phần được mời dự thính tham dự kỳ họp Quốc hội là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh. Đối với quy định tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị quy định rõ hơn về hình thức văn bản điện tử thì trong trường hợp nào và hình thức văn bản giấy để trong trường hợp nào?

Về vai trò của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp quy định về thảo luận, tranh luận chất vấn tại phiên họp toàn thể, đại biểu thống nhất với việc bổ sung quy định về phân công người trình bày dự án, dự thảo báo cáo trước Quốc hội trong trường hợp người đại diện của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình không thể thuyết trình dự án, dự thảo.

Bên cạnh đó, trước thực trạng, trong các kỳ họp một số đại biểu đăng ký tranh luận nhưng khi phát biểu thì lại nêu quan điểm thực chất không phải là tranh luận hoặc lách quy định để được ưu tiên phát biểu trước. Do đó, đại biểu cũng lưu ý nội dung quy định Chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận, nếu đại biểu Quốc hội không phát biểu tranh luận, chất vấn đúng nội dung và sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát biên tập để tránh việc trùng lặp một số nội dung về trình tự điều hành của chủ tọa; bổ sung hoàn thiện quy định về bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khi có sự thay đổi, điều chuyển trong công tác nhân sự.

8h42: Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Đề nghị nên công khai việc cơ quan, đơn vị gửi tài liệu chậm đến các đại biểu Quốc hội và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của kỳ họp Quốc hội, do đó về cơ bản đại biểu đồng tình với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi).

Liên quan đến tài liệu tại điểm a khoản 2 Điều 7 quy định tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước và phải bảo đảm nội dung nguyên vẹn như bản gốc, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, điểm này cần chỉnh lý thêm. Bởi vì Khoản 7, Điều 3 Nghị định 78 năm 2015 của Chính phủ đã quy định khái niệm về văn bản điện tử là tài liệu điện tử được tạo trực tuyến hoặc được quét scan từ văn bản giấy theo định dạng ".doc" hoặc "pdf" và thể hiện chính xác, toàn vẹn nội dung của văn bản giấy.

Vì vậy, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị nên chỉnh lý lại là: Tài liệu chính thức được lưu hành bằng văn bản điện tử trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Tại Khoản 3, Điều 7 quy định danh sách các tài liệu chính thức của các cơ quan, cá nhân gửi chậm thì được công khai đến các đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng điều này rất tốt. Tuy nhiên, qua các kỳ họp vừa qua, các đại biểu, cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm tra đều biết các cơ quan nào gửi chậm. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị nên công khai việc này và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội chứ không phải chỉ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, qua đó mới góp phần nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội.

“Vì thời gian qua cũng như các đại biểu Quốc hội đã nói là các vị đại biểu Quốc hội nhận tài liệu rất chậm. Có những trường hợp sáng hôm sau thảo luận thì đến 12h, 1h mới nhận được thì đại biểu cũng không thể nghiên cứu được. Tôi cho rằng, tài liệu này phải gửi sớm và công khai”, đại biểu giải thích thêm.

Liên quan đến hình thức phiên họp quy định tại Điều 14 có ba hình thức, đại biểu cho rằng có 3 hình thức là rất phù hợp. Tuy nhiên theo đại biểu Lê Hoàng Anh, cần phải quy định là giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hình thức họp chứ không phải Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn. Để Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định được, đại biểu đề nghị là bổ sung một khoản quy định về nguyên tắc tổ chức trực tuyến và kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Về cơ bản, đại biểu nhận thấy phải tổ chức trực tiếp là chính, còn trực tuyến hoặc là kết hợp trực tuyến và trực tiếp chỉ diễn ra khi xảy ra những vấn đề bất khả kháng như dịch bệnh thì mới đáp ứng được yêu cầu của các hoạt động của Quốc hội. Do đó, cần thiết phải quy định nguyên tắc khi mà quyết định là các cái hình thức họp này cho phù hợp.

8h36: Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo chậm trễ nợ đọng dự thảo, dự án luật

Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Dương Văn Phước khẳng định, việc gửi tài liệu đúng thời hạn tới đại biểu Quốc hội đúng thời hạn là điều hết sức quan trọng, được quy định chặt chẽ tại Khoản 2, Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) năm 2020.

Theo đó, dự thảo, dự án Luật, nghị quyết phải gửi tới đại biểu Quốc hội trước 20 ngày và các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày. Tuy nhiên, tại các kỳ họp vừa vượt qua, nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một hạn chế, tồn tại nhiều năm qua và chưa có giải pháp triệt để. Việc thông báo chậm bao nhiêu ngày nhưng không có chế tài cụ thể cũng không thể khắc phục được sự chậm trễ trong việc trình, dự án luật hiện nay.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, chưa cần nói đến việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật, việc tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi của dự án luật được Quốc hội thông qua. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trực tiếp vào Điều 7 các chế tài chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn theo hướng nếu trình Quốc hội xem xét đối với dự thảo, dự án không đảm bảo thời hạn gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Tổ chức Quốc hội và đề nghị bổ sung quy định xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chậm trễ nợ đọng dự thảo, dự án luật. Có như vậy, mới tránh được tình trạng nợ chậm dự án luật và mới đảm bảo thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật.

8h31: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Cần quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng bày tỏ tán thành với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc sửa đổi nội quy kỳ họp là cần thiết bởi nhiều quy định tại nội quy năm 2015 không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập nội quy kỳ họp hiện hành, đáp ứng được mục tiêu, quan điểm xây dựng nội quy kỳ họp theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường tranh luận nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả, giúp cho hoạt động Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Cụ thể, đại biểu nhất trí với việc bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường dự thảo Nghị quyết. Theo đó, việc tổ chức họp bất thường để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, trừ các nội dung định kỳ theo quy định của pháp luật là cần thiết, đồng thời xử lý những vấn đề cấp bách một cách kịp thời.

Tại Điều 7 dự thảo nội quy kỳ họp sửa đổi quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, đại biểu bày tỏ nhất trí với hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan trọng gửi tài liệu theo hướng công khai danh sách và lý do gửi chậm tài liệu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội.

Đại biểu cũng bày tỏ tán thành việc quy định riêng chương về xem xét, quy định các nội dung tại Kỳ họp Chương III của dự thảo, mỗi nội dung dành một điều riêng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung có liên quan tại kỳ họp Quốc hội. Đồng thời bày tỏ nhất trí cao quy định bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ngay sau khi được bầu là phù hợp, bảo đảm yêu cầu triển khai công tác nhân sự, kịp thời điều hành hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội khi Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá mới chưa được thành lập và chưa tiến hành được thủ tục phê chuẩn chức danh Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn. Quy định như vậy đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặt ra.

8h28: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đến dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được gửi tới đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội là văn bản quan trọng quy định về trình tự, thủ tục hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và đại biểu Quốc hội, về thẩm quyền các chủ thể tham gia kỳ họp nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội nói chung, kỳ họp nói riêng như phát biểu tại phiên khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu tầm quan trọng về sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội khóa XV.

Để đảm bảo thời gian hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào 6 nhóm vấn đề nêu trong Báo cáo, ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đồng thời cho ý kiến về mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, sự phù hợp của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Cuối buổi thảo luận, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

8h19: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình(sửa đổi):

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình(sửa đổi):

8h10: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi):

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi):

8h02: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên họp

8h00: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp sáng 08/9 cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thời gian thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đỗi) là từ 8h00 đến 9h55. Thời gian còn lại của buổi sáng sẽ thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Tin khác

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới năm 2024

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới năm 2024

Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh góp mặt trong bảng xếp hạng, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và TP Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 105.
Thủ tướng: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp với từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện.
Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”

Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”

Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS); Hội đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA); Công ty Cổ phần Adpex tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề: “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”.
Sắp diễn ra Diễn đàn trực tuyến: “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững"

Sắp diễn ra Diễn đàn trực tuyến: “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững"

Vào lúc 13h:30 chiều ngày mai (19/4/2024) Tạp chí điện tử Thương hiệu và sản phẩm phối hợp với Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS); Các Hiệp hội/ Hội trong ngành làm đẹp, cùng sự tham gia của lãnh đạo Ban ngành liên quan tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề: “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đảng bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ngày mai, khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày mai, khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dự kiến, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 04 ngày, từ chiều 15/4 đến sáng 22/4/2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Ai có gì góp nấy" phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Ai có gì góp nấy" phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng kêu gọi ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Phát huy tốt các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng

Phát huy tốt các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các địa phương sớm xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng... Phát huy tốt các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng
Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4-1/5

Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4-1/5

Thủ tướng đồng ý việc hoán đổi ngày làm việc bình thường dịp lễ 30/4-1/5 để người lao động được nghỉ liên tục 5 ngày từ 27/4 đến hết 1/5 và làm bù vào ngày 4/5.
Khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 tại Lâm Đồng

Khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 tại Lâm Đồng

Hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương đối với việc phát triển văn hóa đọc.
Thủ tướng yêu cầu "xử lý ngay và luôn" tình trạng chênh lệch giá vàng quá cao

Thủ tướng yêu cầu "xử lý ngay và luôn" tình trạng chênh lệch giá vàng quá cao

Trước tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới chục triệu đồng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, xử lý ngay chênh lệch giá vàng.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 7/4/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ngân hàng sẽ bị xử lý nghiêm nếu không công khai lãi suất cho vay trước 10/4

Ngân hàng sẽ bị xử lý nghiêm nếu không công khai lãi suất cho vay trước 10/4

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4. Tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật”, công điện nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Sáng 7/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7 - 12/4/2024.
Bộ Nội vụ nhất trí với đề xuất nghỉ 5 ngày liên tiếp dịp lễ 30/4 và 1/5

Bộ Nội vụ nhất trí với đề xuất nghỉ 5 ngày liên tiếp dịp lễ 30/4 và 1/5

Ngày 5/4, Bộ Nội vụ đã gửi công văn trả lời về đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ra.
Bảo tàng Điện Biên Phủ tăng giờ mở cửa phục vụ khách tham quan

Bảo tàng Điện Biên Phủ tăng giờ mở cửa phục vụ khách tham quan

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách tham quan, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan thêm một số buổi tối.
Rộn ràng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Rộn ràng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Sáng 5/4, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội Văn học nghệ thuật và Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức khai mạc "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk".
Bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hoa giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển

Bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hoa giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển

Chiều ngày 3/4, tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Văn hóa và Phát triển.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024

Quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024; quy chuẩn quốc gia mới về phương tiện phòng cháy, chữa cháy; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024.
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk bổ nhiệm cán bộ

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk bổ nhiệm cán bộ

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk trao quyết định bổ nhiệm hàng loạt Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường các huyện trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Công thương: Năm nay và những năm sau sẽ không thiếu điện

Thứ trưởng Bộ Công thương: Năm nay và những năm sau sẽ không thiếu điện

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 29/3.
Hoàn thành công tác thu hồi đất tại các dự án trường học tại phường Định Công, tiến tới đẩy mạnh thi công dự án

Hoàn thành công tác thu hồi đất tại các dự án trường học tại phường Định Công, tiến tới đẩy mạnh thi công dự án

Theo thông tin từ UBND quận Hoàng Mai, 100% các hộ dân nằm trong diện phải GPMB để xây dựng 3 trường học trên địa bàn đã chấp hành việc nhận tiền đề bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Dự án hiện được đẩy nhanh công tác thi công để sớm bàn giao đưa vào sử dụng.
Thanh niên là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số

Thanh niên là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), sáng 26/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Hải Bình làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Hải Bình làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Chiều 25/3/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Sở Y tế Đắk Lắk vừa công bố quyết định, bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng giáp giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thay cho ông Nguyễn Đại Phong đã nghỉ hưu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiền Giang cần phải tập trung vào “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiền Giang cần phải tập trung vào “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt ấn tượng với việc quy hoạch đã định hướng, ưu tiên phát triển Tiền Giang với "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh."
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Long

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Long

Sáng 23/3, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại và du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Xem thêm

Thương hiệu nổi bật

eco-parl
cai-lan
vinamil
richy-nho
sun-group
logo-erowindow
partner-bivaco
partner-shb
partner-tan-hoang-minh-group
partner-hdbank
sunshine
partner-vinacomin
partner-viglacera
partner-th
partner-bacabank
partner-danko-group
ttp
doji
nam-cuong
partner-vingroup
bidv3
phu-dien-2
Phiên bản di động