Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch hiện nay diễn ra sáng ngày 10/5.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Một số nơi nói về việc thay đổi chiến lược, đấy chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi - Ảnh: VGP |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 10/5, tổng số ca bệnh trên thế giới đã vượt 158 triệu ca, trong đó trên 3,3 triệu ca tử vong. Dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn chưa được kiểm soát, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (Campuchia, Lào) và một số nước trong khu vực (Ấn Độ, Thái Lan).
Tại Việt Nam, cơ bản tình hình dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus, đặc biệt biến chủng B.6117 được phát hiện tại Ấn Độ với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn; dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương và sự xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Giai đoạn vừa qua, nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan triển khai ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19.
Đến nay các nhóm đối tượng đăng ký và khai báo: 82% nhóm trường học; 98% nhóm bệnh viện/phòng khám; khoảng 26% nhóm khách sạn; 33% nhóm doanh nghiệp vận tải/loại phương tiện; 33% nhóm bến tàu/nhà ga; 0,43% nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhóm chợ/trung tâm thương mại chưa đăng ký hay đánh giá. Nhóm khách sạn đăng ký cách ly (của 17 tỉnh/thành phố) có khoảng 22% đã thực hiện đánh giá an toàn với dịch COVID-19.
Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, có 18.649 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; có 803 trường hợp nhập cảnh trái phép (tăng 252 trường hợp so với tuần trước đó).
Về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích những ổ dịch xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay.
Theo đó, hiện có 4 ổ dịch lớn bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2; ổ dịch mới xuất hiện tại Hải Dương - đây là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào. Từ những ổ dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với 442 ca mắc COVID-19 trong nước.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Ảnh: VGP |
Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế hiện nay, qua 1 vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0; lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường…, vì vậy việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.
“Chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh việc “xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt”, chuyên gia Trần Đắc Phu nêu ví dụ, Hà Nội tăng cường công tác xét nghiệm tại sân bay, bệnh viện và tiếp tục xét nghiệm nhiều nơi khác trong thời gian tới. “Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý”, chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, xong PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay có thể có những “ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn”, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (“Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế”) có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.
“Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược “phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả” của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”- chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án 30.000 người mắc
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm… Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công" phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.
"Chúng ta phải coi xét nghiệm là trọng tâm, trọng điểm phải làm trong lúc này. Tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao như: cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi lưu trú, khu vực tập trung đông người… phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm để ngăn chặn dịch bệnh", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. chiến lược chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm 5K |
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế có ngay phương án hỗ trợ, tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương, đặc biệt là đánh giá ngay hiệu quả các công nghệ xét nghiệm mới, từ đó đưa ra phương án, chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng tình huống, điều kiện thực tế nhằm sàng lọc, đánh giá dịch tễ trên địa bàn sớm nhất, tiết kiệm nhất.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện nay các địa phương mới chỉ chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men… phục vụ phòng chống dịch ở thời điểm hiện tại. Chúng ta phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó.
Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, oxy…) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" (theo kịch bản trước đây, Bộ Y tế mới chuẩn bị phương án 10.000 người nhiễm).
4 điểm xuất phát dịch bệnh
Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tìm kiếm, đàm phán mua để có nguồn vắc xin sớm nhất, nhiều nhất tiêm cho người dân, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nguồn vắc xin rất khan hiếm nên ít nhất từ giờ đến cuối năm 2021 chúng ta chưa thể có vắc xin tiêm đại trà cho người dân, nên chưa thể có tác động của vắc xin vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể.
Tính đến 12 giờ, ngày 10/5, số lượng ca mắc mới COVID-19 tính từ ngày 27/4 đến nay là 442 ca. Trước số ca mắc mới mỗi ngày cao, trên nhiều tỉnh/thành phố, các chuyên gia nhận định có 4 điểm xuất phát dịch bệnh.
Thứ nhất, điểm xuất phát dịch từ Đà Nẵng (với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và quán bar, thẩm mỹ viện ở Đà Nẵng), đến giờ phút này, chúng ta đã khoanh hết được ca F1.
Dự kiến, khi xét nghiệm lại toàn bộ, trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm một số ca nhưng không nhiều.Thứ hai, điểm xuất phát từ Yên Bái (với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương), đến nay, khoảng 75% số ca F1, F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Nguồn thứ ba là nguồn từ Hải Dương (từ một người có liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về, lây lan cho 3 ca) đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.
Nguồn thứ tư đang nóng nhất, từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, lây lan ra rất nhiều địa phương và bệnh viện. Đến nay, các bệnh viện và địa phương này đã cơ bản kiểm soát, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các ca liên quan. Trong thời gian tới, từ 4 nguồn lây nhiễm này, mỗi ngày, cả nước có thể ghi nhận thêm 1 số ca nhưng cơ bản các nguồn lây nhiễm được kiểm soát.
“Ngoài 4 điểm xuất phát nêu trên, hoàn toàn có thể còn một điểm xuất phát trong cộng đồng mà chúng ta không biết nên bây giờ phải rất cảnh giác, nhất là những địa phương chưa ghi nhận các ca mắc COVID-19, phải thường xuyên giám sát chặt chẽ”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Mỗi người phải tuyệt đối thuân thủ thông điệp 5K, đặc biệt đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh từ nay đến cuối năm chưa thể có vắc xin tiêm đại trà cho người dân nên tác động của vắc xin vào miễn dịch cộng đồng chưa đáng kể, Phó Thủ tướng nêu rõ, mỗi người phải tuyệt đối thuân thủ thông điệp 5K, đặc biệt đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Các địa phương phải xử phạt nghiêm người đi đến nơi công công không đeo khẩu trang. Tất cả các cơ sở phải chủ động tự đánh giá việc thực hiện các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch, cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (antoancovid.vn) trên tinh thần "không an toàn không được hoạt động".
Quang ảnh cuộc họp. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng đã nhiều lần lưu ý các địa phương chú trọng an toàn với dịch bệnh, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Thực tiễn ở Hải Dương cho thấy, nếu hàng nghìn công nhân của một nhà máy mắc COVID-19, với biến chủng mới hiện nay, không thực hiện an toàn ngay từ đầu, rất khó kiểm soát dịch bệnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ, một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược phòng, chống dịch bệnh nhưng như các chuyên gia phân tích, đó chỉ là cách diễn đạt khác nhau, chiến lược và nguyên tắc của Việt Nam hoàn toàn không thay đổi, được quán triệt rõ ràng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các bộ, ngành, địa phương, diễn ra vào ngày 7/5 trước đó.
Đầu tiên, chúng ta phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới cũng như người cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để lây nhiễm trong cộng đồng. Để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng, không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nơi tập trung đông người...
Về khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần, khi có ca nghi ngờ mắc COVID-19, lập tức khoanh vùng gọn nhất có thể "vì mục tiêu kép". Nếu chưa đủ điều kiện xác định tình hình để khoanh vùng hẹp nhất có thể, ngay lập tức khoanh rộng hơn nhưng phải khẩn trương thực hiện các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm cần khoanh vùng chặt, nghiêm. Sở Y tế các địa phương phải tham mưu lãnh đạo địa phương, Bộ Y tế củng cố lại hoạt động của tổ chuyên gia, có hướng dẫn cần thiết để khoanh vùng cho đúng.
Phó Thủ tướng lưu ý, trước khi thực hiện khoanh vùng cũng có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus. Từ thực tiễn các chùm ca bệnh ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc cho thấy, virus SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh trong phòng kín như các quán bar, quán karaoke, cơ quả massage... Vì vậy, trước khi quyết định cách ly, khoanh vùng, các địa phương xem xét tạm dừng hoặc kiểm soát chặt chẽ hoạt động dịch vụ, kinh doanh nêu trên.
Phó Thủ tướng đề nghị, khi xuất hiện dịch bệnh, các địa phương bình tĩnh, có giải pháp cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết. Khi chưa xuất hiện dịch bệnh, các địa phương không được lơ là, chủ quan bởi người mang mầm bệnh đã có trong cộng đồng, có thể bùng phát dịch bất cứ lúc nào.
Gửi lời cảm ơn nhiều chuyên gia, người dân đã góp ý về các biện pháp phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng khẳng định: "Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn đang phòng, chống dịch rất tốt, bằng những biện pháp của Việt Nam. Chúng ta phải có lòng tin, kiên trì, tiếp tục, không lung lay, thay đổi mà làm phải làm tốt hơn, cập nhật theo tình hình. Trong bối cảnh hiện nay, không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân, sau đó là với đất nước, cộng đồng”.
Phó Thủ tướng kêu gọi và cảm ơn các doanh nghiệp, dù còn rất khó khăn nhưng vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhiều người dân nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19.