Phố cổ Hội An - Thành phố cổ đẹp hàng đầu châu Á
Đây là kết quả cuộc khảo sát hằng năm của tạp chí về trải nghiệm du lịch của bạn đọc về những thành phố mà họ từng đến về: khung cảnh, tầm nhìn, văn hóa, ẩm thực, sự thân thiện, mua sắm và các giá trị chung. Theo xếp hạng, thành phố Hội An đứng ở vị trí thứ ba, sau hai thành phố của Mê-hi-cô. Năm 2019, Hội An từng được bình chọn ở vị trí đầu danh sách.
Thời gian gần đây, Hội An liên tục được truyền thông quốc tế nhắc đến trong các bảng xếp hạng danh giá về du lịch. Phần vì cảnh vật nên thơ, phần vì ẩm thực phong phú và độc đáo, đó chính là những lí do khiến thành phố di sản này chưa bao giờ hết "hot" đối với các tín đồ du lịch trong và ngoài nước.
Phố cổ Hội An là một thành phố nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Một lần du lịch Hội An sẽ làm say đắm lòng du khách bởi những nét đẹp trường tồn cùng thời gian, vô cùng mộc mạc, bình dị.
Phố cổ Hội An không chỉ là bản thân vẻ đẹp của kiến trúc cổ, mà cái chính là “nếp nhà” với những câu chuyện về lối sống, nếp sinh hoạt, việc làm ăn, cách ứng xử của người Hội An. Công bằng mà nói, với tư cách là di sản kiến trúc xét về quy mô, thì Hội An khó sánh với cố đô Huế, về niên đại thì cũng không cổ bằng Mỹ Sơn, Ăng Co Thơm, Ăng Co Vát; về cảnh quan thiên nhiên cũng khó đọ với Hạ Long, Cát Bà… Nhưng Hội An có sức hấp dẫn riêng đầy sức chiêu cảm kỳ lạ của một “bảo tàng sống”.
Hội An liên tục được truyền thông quốc tế nhắc đến trong các bảng xếp hạng danh giá về du lịch
Hội An là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc; là cái nôi truyền bá Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Đàng Trong- Việt Nam, là một trong hai cái nôi (cùng Kinh Kỳ- Hà Nội) ra đời chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XVII; là điểm gặp gỡ, giao thoa các nền văn minh Chăm – Việt – Hoa – Nhật – Ấn và các nước Phương Tây.
Ở Hội An gần như quanh năm bốn mùa đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, gồm các lễ hội của cư dân sông nước như lễ hội cầu ngư- tế Cá Ông- đua thuyền; của cư dân thương nghiệp như lễ hội vía Tài Thần, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bổn Đầu Công, Lục Tánh Vương Gia; của cư dân nông nghiệp như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu, Lễ cầu bông, long chu, xô cộ…Ngoài ra còn có các lễ hội tế Xuân, tế Tổ nghề Mộc- nghề May- nghề Gốm – nghề khai thác Yến sào…
Hội An còn có những làng nghề nổi tiếng như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng khai thác Yến Thanh Châu, làng trồng rau Trà Quế, làng hến- bắp Cẩm Nam, các làng chài Thanh Nam, Đế Võng, Phước Trạch, Bãi Làng, Bãi Hương, các làng buôn Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô… cùng với nguồn văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú và vang tiếng khắp nơi. Hội An còn có kho tàng văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ như những truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, ngụ ngôn; những lời hát ru dào dạt, những điệu hò khoan trữ tình, những câu dân ca- bài chòi nồng thắm
Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 16, thời kỳ Việt Nam nằm dưới sự trị vì của nhà Lê. Vào năm 1527, Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Lê, vùng Đông Kinh thuộc quyền cai quản của nhà Mạc. Năm 1533, Nguyễn Kim nhân danh nhà Lê tập hợp binh sĩ chống lại nhà Mạc. Sau khi Nguyễn Kim chết năm, người con rể Trịnh Kiểm nắm giữ quyền hành, dòng họ Nguyễn Kim bị lấn át.
Năm 1558, người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và một số binh lính lui về cố thủ ở vùng Thuận Hóa và từ sau năm 1570, Nguyễn Hoàng tiếp tục nắm quyền trấn thủ Quảng Nam. Cùng với con trai là Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Hoàng xây dựng thành lũy, ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó.
Yên Thư