Thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - xã Long Trị nằm ven sông Cái Lớn với diện tích trồng quýt đường gần 100 héc ta. Theo chia sẻ của người dân địa phương, quýt đường đã có mặt tại vùng đất này hơn nửa thế kỷ, trở thành loại nông sản mang đến nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong vùng. Từ đó cây quýt đường gắn liền với địa danh nơi đây, được bà con gọi là “Quýt đường Long Trị” và nhanh chóng được ghi nhớ trong tâm trí người tiêu dùng.
Quýt đường Long Trị có mặt tại vùng đất Hậu Giang hơn nửa thế kỷ vào khoảng 1998 - 2000
Nhận thấy giá trị mà cây quýt đường mang lại, chính quyền địa phương đã mở rộng diện tích, mang giống quýt đường Long Trị trồng tại nhiều vùng khác trong tỉnh. Sau thị xã Long Mỹ thì huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ là những địa phương dành phần lớn diện tích đất nông nghiệp để trồng quýt đường. Hiện nay, tổng diện tích trồng quýt đường của tỉnh Hậu Giang lên đến hơn 1.000 héc ta.
Quýt đường là một loại trái cây giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin C, B1, B2, các chất chống oxy hóa. Ngoài phần thịt bên trong, phần vỏ được dùng làm thuốc trong Đông y. Quýt đường dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi rộng với nhiều loại thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài Hậu Giang, quýt đường được trồng phổ biến tại Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp,…Và theo người tiêu dùng, quýt đường Long Trị - Hậu Giang được ưa chuộng hơn hẳn quýt các vùng khác bởi màu sắc tươi tắn và hương vị thơm ngon đặc trưng.
Cây quýt đường Long Trị được trồng theo phương pháp ươm hạt, phải từ 5 đến 7 năm mới cho trái nhưng bù lại, tuổi thọ của cây lên đến từ 30 đến 50 năm. Thường quýt đường cho thu hoạch khoảng vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên các nhà vườn nơi đây có thể ứng dụng để cho quả vào trái mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quýt đường Long Trị nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng và khác biệt so với các loại quýt ở vùng khác
Thường quýt đường cho thu hoạch vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên các nhà vườn nơi đây có thể ứng dụng để cho quả vào trái mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
So với các địa phương lân cận cũng nổi tiếng với quýt như Cái Bè (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Lai Vung (Đồng Tháp),… thì quýt đường Long Trị mang một đặc trưng rất riêng và được nhiều khách hàng ưa chuộng, có lẽ bởi màu sắc tươi, hương vị thơm đặc biệt. Quýt đường Long Trị khi chín có màu vàng chanh khá bắt mắt, da bóng sáng, ruột quýt không bị sượng, vị ngọt thanh, mát và đặc biệt có để bảo quản lâu mà không héo.
Nổi tiếng thơm ngon nhưng quýt đường Long Trị cũng trải không ít thăng trầm. Khoảng những năm 1998 – 2000, quýt đường Long Trị bị bệnh vàng lá gân xanh tấn công trên diện rộng, buộc bà con nông dân phải đốn gốc bỏ. Tuy nhiên, vì tâm huyết với loại nông sản này, chính quyền địa phương và người trồng quýt nơi đây đã từng bước vực dậy vị thế của “Thủ phủ quýt đường”.
“Quýt đường Long Trị” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền vào năm 2014
Những năm gần đây, quýt đường Long Trị đạt giá bán cao trên thị trường, phần vì nhà vườn tuân thủ tốt biện pháp canh tác, phần vì sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu. Năng suất và chất lượng quả theo đó cũng không ngừng nâng cao. Bên cạnh đó, quýt đường Long Trị còn đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi trái ngon được tổ chức tại TP HCM và các tỉnh, thành trong khu vực. Sản phẩm cũng góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương.
Hình thức tổ chức Hợp tác xã quýt đường cũng được áp dụng hiệu quả hơn với mục tiêu gìn giữ và phát triển giống quýt đặc sản của địa phương. Nông dân học được kỹ thuật chăm sóc cây đúng quy chuẩn, khắc phục được nhiều trở ngại trong hiểu biết khoa học kỹ thuật. Nhờ được tư vấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc đúng quy cách, đúng kỹ thuật, những vườn quýt đường của hợp tác xã phát triển tốt, chất lượng trái đồng đều, giá trị quả được nâng cao. Các khâu thông qua thương lái được cắt giảm, vì thế, đầu ra càng thuận lợi hơn.
Ngày 13/01/2014, nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, mang đến sự hứng khởi cho các nhà sản xuất, kinh doanh và niềm tin cho người tiêu dùng, tạo động lực để thương hiệu “Quýt đường Long Trị” nhanh chóng phát triển.
Tiếp đó, vào ngày 08/05/2017, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký quyết định số 824/QĐ-UBND, ban hành chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang năm 2017-2020”. Trong đó có dự án “Quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể Quýt đường Long Trị dùng cho sản phẩm Quýt đường của tỉnh Hậu Giang” do Trung tâm Tư vấn Phát triển thương hiệu Việt Nam thực hiện, dưới sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ và sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang.
Khánh Hòa