Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đang ở thế “một cổ hai tròng” Giá nông sản hôm nay 6/3: Giá tiêu cao nhất ở mức 96.000 đồng/kg, cà phê giao dịch ổn định Giá hồ tiêu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao |
Hạt tiêu chính thức bước vào chu kỳ tăng giá mới. |
Mức giá cao kỷ lục
Hiện, hạt tiêu được thu mua với giá 92.000-95.000 đồng/kg - mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua nếu so với tháng 3/2020, thời điểm giá tiêu chạm đáy 34.000 đồng/kg. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá mặt hàng này tăng 25-30%.
Tại cảng khu vực TP.HCM, ngày 27/2, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ở mức 3.900 USD/tấn và 4.000 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng ổn định ở mức 5.700 USD/tấn.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 4.082 USD/tấn, tiếp tục tăng 2% so với tháng 1 và tăng mạnh 35,9% so với tháng 2/2023.
Trên thị trường thế giới, ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, nhưng chiếm 60% thị phần xuất khẩu. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua.
Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ diễn ra sôi động. Do chênh lệch mùa vụ nên giá hạt tiêu tiếp tục neo ở mức cao. Trong số những nước có sản lượng hạt tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, Việt Nam bước vào mùa, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm.
Đáng chú ý, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam được dự báo ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, trong khi nguồn cung từ các nước khác lại không đủ bù đắp. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá hạt tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.
Điều này thể hiện rõ qua thực tế xuất khẩu hạt tiêu trong hai tháng đầu năm khi lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 35.000 tấn, giá trị thu về 143 triệu USD, tuy giảm 12,3% về lượng nhưng tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành hồ tiêu, thời gian qua giá tiêu ở nhiều quốc gia như Brazil, Indonesia thường xuyên cao hơn Việt Nam, thậm chí có thời điểm Indonesia không có hồ tiêu để xuất khẩu.
Thực tế thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch nhiều. Giá thế giới cao hơn trong nước, thêm tâm lý sợ thiếu hàng và tăng giá nên nhiều doanh nghiệp chủ động tăng lượng mua vào, đẩy giá hồ tiêu tăng nóng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam cung cấp khoảng 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, nhưng do diện tích suy giảm mạnh, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Giá hạt tiêu sẽ quay lại thời hàng kim
Năm nay giá hạt tiêu vượt mốc 90.000 đồng/kg là phần thưởng lớn cho những người kiên trì bám trụ với loại cây này. |
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai-nơi có 110 thành viên, với 80 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững thì niềm vui còn lớn hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc hợp tác xã cho biết, hồ tiêu của hợp tác xã được mua giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/1kg, riêng 15 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ luôn được mua cao hơn so với giá thị trường 25%.
Theo bà Nga: “Hiện nay giá tiêu đang lên bà con rất vui mừng, phấn khởi. Năm ngoái giá 68.000-70.000 đồng/kg, thì năm nay lên từ 92.000-95.000 đồng/kg rồi. Hiện nay, bà con đang chăm lại vườn, thu hoạch, bón phân và trồng lại những vườn tiêu còn trụ. Hi vọng giá tiêu và nông sản các loại tăng để bà con có thêm chi phí, thu nhập, cải thiện đời sống, yên tâm canh tác”.
Tỉnh Gia Lai có 8.800 ha hồ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh, sản lượng vụ này ước khoảng 30.000 tấn. Sau nhiều năm mức giá “nhảy múa”, khiến nông dân khóc cười theo cây hồ tiêu, năm nay giá hạt tiêu vượt mốc 90.000 đồng/kg là phần thưởng lớn cho những người kiên trì bám trụ với loại cây này.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), dự báo có thể tăng lên ngưỡng 120.000-150.000 đồng/kg.
“Hạt tiêu chính thức bước vào chu kỳ tăng giá mới”, ông Bính nói. Theo dõi ngành hồ tiêu nhiều năm nay, ông nhận thấy mỗi chu kỳ tăng giá thường kéo dài cả thập kỷ.
Chu kỳ tăng giá gần nhất kéo dài từ năm 2006 đến 2015. Theo đó, giá hạt tiêu tăng từ 16.000 đồng/kg vọt lên 220.000 đồng/kg - thời hoàng kim của hạt tiêu Việt Nam. Lúc bấy giờ, 1ha hồ tiêu nông dân có thể lãi từ 560-700 triệu đồng. Hạt tiêu được coi là “vàng đen” của Việt Nam.
Ông Bính nhìn nhận, giá hạt tiêu có thể rung lắc nhưng theo chiều hướng đi lên chứ không thể giảm về mức đáy như thời gian qua. Đặc biệt, chu kỳ tăng giá mới này có thể kéo dài tới 12-15 năm.
“Giá hạt tiêu sẽ quay lại thời hàng kim, thậm chí có thể đạt mức 300.000-350.000 đồng/kg”, ông dự báo. Bởi, những năm qua diện tích cây hồ tiêu ở nước ta giảm mạnh do giá thấp, người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng hồ tiêu ở Việt Nam và cả các quốc gia khác.
Trước đây, giá hạt tiêu cao chót vót, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Giờ giá cao nhưng diện tích cũng khó mở rộng vì “không còn đất để trồng”. Sản lượng hạt tiêu toàn cầu có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu vẫn tăng sẽ giúp cho giá loại hạt này đứng ở mức cao trong nhiều năm tới, ông cho hay.