Giá tiêu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. |
Ngày 8/3, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế Ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam 2024 - VIPO 2024, tại Hà Nội.
Việt Nam là thủ phủ sản xuất hồ tiêu
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, hồ tiêu và cây gia vị đã góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đánh giá trong giỏ hàng gia vị thế giới, hạt tiêu chiếm tỉ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỉ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032.
Dự báo nhu cầu hạt tiêu, đặc biệt với sản phẩm cao cấp từ thị trường thế giới, ngày càng tăng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Do vậy, ông Tài khuyến nghị: Nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh nâng cao chất lượng, áp dụng biện pháp chế biến sâu.
Ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, 60% thị phần thế giới. Dù vậy, trong bối cảnh thế giới hiện nay, ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường, bất ổn chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng.
Thị trường Mỹ, EU, Trung Đông… gia tăng nhu cầu về sản phẩm đáp ứng tính bền vững. "Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nước xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị như Việt Nam"- ông Tài nhấn mạnh.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cũng cho rằng nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng hiện có. Sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Do đó, làm thế nào để thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nhiều doanh nghiệp lớn đã làm trong thời gian gần đây luôn là thách thức không nhỏ"- ông Đạt đặt vấn đề. Đây cũng là thách thức với ngành hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. Theo đó, xây dựng được chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững là nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn tới.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, cũng nhấn mạnh tính bền vững và toàn diện là hai trụ cột của ngành hồ tiêu trong giai đoạn tới. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đào tạo, tập huấn cho người nông dân sản xuất bền vững, đào tạo để nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất.
"Tính bền vững và tính toàn diện không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự cam kết lâu dài, cam kết tạo ra tương lai bền vững. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đạt được tính bền vững và toàn vẹn"- bà Liên kỳ vọng.
Giá tiêu vẫn sẽ tăng cao
Tại hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam - VIPO 2024 tổ chức ngày 8-10/3, ông Jasvinder Singh Sethi - Tổng giám đốc điều hành Công ty Namagro Việt Nam cho biết, qua tổng hợp số liệu và quan sát thấy có quy luật lặp lại ba lần trong 50 năm qua, là mỗi khi cầu lớn hơn cung, giá cả cũng tăng vọt theo, ngược lại khi cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm xuống và duy trì ở vùng đáy.
Giá hồ tiêu hiện vẫn ổn định và có thể có khả năng tăng thời gian tới. Nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đủ cầu. Tuy vậy, đối với thị trường hồ tiêu, doanh nghiệp cũng lưu ý không chỉ đơn giản đánh giá cung - cầu, mà cần nhận định xung đột địa chính trị của một khu vực có ảnh hưởng đến cung cầu của khu vực đó và vùng lân cận hay không?.
Hiện nhu cầu tiêu thụ tiêu toàn cầu khoảng 600.000 – 700.000 tấn. Nhu cầu này được đáp ứng thông qua nhập khẩu và tự trồng trong nước. Châu Á nơi tiêu thụ nhiều hồ tiêu nhất thế giới với 400.000 tấn, trong đó một nửa nhập khẩu, một nửa tự sản xuất. Châu Mỹ tiêu thụ 110.000 tấn, trong đó nhập từ nước khác đến 90.000 tấn, còn châu Âu hầu như nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2024. Không nằm ngoài xu hướng, sản lượng của Brazil sẽ giảm mạnh hơn do các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam có thể giảm xuống khoảng 170.000 tấn, tuy nhiên xuất khẩu vẫn có thể đạt khoảng 240.000 tấn.
Theo CEO Namagro Việt Nam, hai yếu tố quan trọng để đánh giá sản lượng là năng suất và diện tích thu hoạch.
Năng suất phụ thuộc vào thời tiết và động lực của chính người nông dân. Ở Việt Nam, từ năm 2017 không xuất hiện vùng trồng mới, bên cạnh đó còn có tình trạng một số khu vực, nông dân chuyển sang trồng loại cây khác. Tất cả những điều này sẽ gây ra thiếu hụt nguồn cung trong tương lai. Ngoài ra, hiện tượng El Nino, La Nina và bất ổn địa chính trị càng làm trầm trọng thêm tình trạng.
Theo các chuyên gia, tại những nước có sản lượng hồ tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, hiện Việt Nam bước vào mùa thu hoạch, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm. Nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy giá hồ tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.
Trong khi đó, bà Liên nhận định, sức ép của suy giảm nguồn cung sẽ tác động tích cực lên giá. Điều này tạo động lực cho bà con đầu tư nhiều hơn cho vườn tiêu.
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 35 nghìn tấn, trị giá 143 triệu USD, giảm 12,3% về lượng, nhưng tăng 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Việc tăng giá tiêu nguyên liệu đang gây sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu khi các đơn hàng đều phải ký trước. Nhiều doanh nghiệp cũng dự báo rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm biến động với thị trường hồ tiêu, giá tiêu sẽ còn tăng lên.