Đưa hàng Việt về nơi đảo xa Hàng Việt gặp 'sóng lớn' và chiến lược vượt khó Hàng Việt "lên ngôi" nhờ làn sóng mở rộng chuỗi bán lẻ hiện đại |
Thị trường trong nước giữ vai trò trụ đỡ cho tăng trưởng
![]() |
Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm kích cầu thị trường nội địa. |
Trong bối cảnh Mỹ tạm hoãn áp mức thuế cao trong vòng 90 ngày, ông Bùi Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – nhận định đây là thời điểm cấp thiết để điều chỉnh chiến lược phát triển thị trường. Cụ thể, Việt Nam cần tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, dễ bị tổn thương do các rủi ro thuế quan, thay vào đó là kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy hạ tầng thương mại hiện đại, chuyển đổi số và hướng tới phát triển bền vững.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ có các chính sách tài khóa hỗ trợ thị trường nội địa, như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng và triển khai đồng bộ các chương trình phát triển thị trường. Theo ông Tuấn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp là yếu tố quyết định để hiện thực hóa kế hoạch, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) – cũng cho rằng, với quy mô dân số 100 triệu người và mức thu nhập ngày càng cao, thị trường nội địa của Việt Nam không chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt đủ khả năng thay thế các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực như sản xuất ô tô, xe máy, khách sạn... Do đó, việc tăng cường tiêu dùng nội địa sẽ mở ra không gian phát triển lớn cho khối doanh nghiệp nội.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, GS.TSKH Nguyễn Mại đề xuất cần có bước chuyển mạnh về thể chế, luật pháp và chính sách liên quan đến thị trường; đồng thời, doanh nghiệp cần tái cấu trúc chiến lược kinh doanh theo hướng dài hạn, dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo xu hướng. Việc nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, đầu tư vào nghiên cứu – phát triển (R&D), đào tạo nhân lực và đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nội địa sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp Việt trụ vững và vươn xa.
Ông Trần Anh Thắng – Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – cho rằng, tiêu dùng nội địa hiện chiếm gần 80% tổng chi tiêu, trở thành trụ cột quan trọng cho GDP. Với việc một số mặt hàng nhập khẩu có thể bị hạn chế do chính sách thuế quan, hàng Việt sẽ có cơ hội thay thế và mở rộng thị phần trong nước.
Tín dụng tiêu dùng tạo lực đẩy cho sức mua nội địa
![]() |
Tiêu dùng nội địa hiện chiếm gần 80% tổng chi tiêu, trở thành trụ cột quan trọng cho GDP. |
Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng nội địa là tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân. Theo ông Trần Anh Thắng, cần đa dạng hóa các gói vay nhỏ, linh hoạt, không yêu cầu tài sản đảm bảo, hướng tới các mục tiêu chi tiêu thực như mua sắm thiết bị gia dụng, thanh toán học phí, du lịch trong nước hay chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, các sản phẩm tín dụng tiêu dùng xanh và số – như cho vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng – cũng cần được đẩy mạnh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững. Ông Thắng đề xuất ngân hàng nên phối hợp với doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử triển khai các chương trình khuyến mãi như trả góp 0%, đồng thời mở rộng tín dụng đến các khu vực nông thôn và khu công nghiệp – nơi nhu cầu vay lớn nhưng mức độ tiếp cận tài chính còn hạn chế.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, một trong những thách thức lớn hiện nay là hệ thống phân phối vẫn chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Điều này khiến hàng Việt gặp khó khăn khi tiếp cận người tiêu dùng. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nội địa vươn ra các kênh phân phối hiện đại.
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cũng khẳng định bốn nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tăng cường giám sát thị trường và xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng thương mại. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt quy trình phức tạp và ban hành chính sách đột phá nhằm thúc đẩy mô hình bán lẻ đa dạng như outlet, thương mại trực tuyến, hệ thống logistics – kho bãi hiện đại, đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt.