Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 01/2022 |
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 02/2022 tại Phiên họp thứ 9 |
Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 02/2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tính đến nay, đã có 1.705/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XV đã được giải quyết, trả lời; 204/923 kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XV và 20/218 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Liên quan tới tình hình khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 02/20222, số lượt công dân và đoàn đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, công dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước hiện nay nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của khu xử lý rác thải tập trung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân, dẫn đến bức xúc, tiềm ẩn những phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa phương; tình trạng sai phạm tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, người dân nhận nhà đã nhiều năm nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận; việc lấn chiếm đất công để xây dựng các công trình trái phép...
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 02/2022 của Quốc hội |
Đặc biệt, qua xem xét nội dung đơn thư của công dân, các khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện chế độ chính sách cho người có công, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến vi phạm trong công tác quản lý đất đai, tố cáo người tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị giải quyết tin báo, tố giác tội phạm...
Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 8, ngày 28/02/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1291/VPCP-QHĐP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và có văn bản thông tin kết quả thực hiện đến Ban Dân nguyện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước tình trạng những bất cập liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn tồn tại, Trưởng Ban Dân nguyện Thanh Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị cử tri đúng thời hạn, đảm bảo việc giải quyết có chất lượng; khẩn trương giải quyết các kiến nghị đã quá thời hạn nhưng chưa được giải quyết, trả lời. Đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thực hiện bổ sung các nội dung liên quan đến Báo cáo việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đề nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với nội dung báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả.
Tuy nhiên, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tỉ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri hiện nay vẫn còn thấp, do đó đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tập trung xử lý kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khoá XV. Cùng với đó, trong các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Ban Dân nguyện cần đi vào giám sát cụ thể. Những vụ việc khiếu nại tố cáo giao cho các cơ quan giám sát làm chặt chẽ, cụ thể để trả lời cử tri và báo cáo trước Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện nay, hiện tượng quảng cáo dự án ma bên cạnh việc lợi dụng đấu giá để “thổi” giá đất đang nổi lên. Tình trạng quảng cáo dự án ma, phân lô, bán nền đất trái pháp luật cũng diễn ra rất phức tạp.
Nhấn mạnh về tình trạng thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, mới đây, có tình trạng dàn cảnh mua bán đất đai rất sôi nổi, tranh mua cướp bán để đưa lên mạng xã hội, qua đó tác động vào tâm lý của những người muốn tranh thủ thị trường để lướt sóng, gây tình trạng hết sức lộn xộn. Do đó đề nghị các cơ quan chức năng cần tập trung để xử lý các đối tượng này.
Đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo đầy đủ, cụ thể hơn tình hình các vấn đề có liên quan. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng cần phải làm rõ việc thực thi pháp luật và trách nhiệm các cơ quan.
Phát biểu chỉ đạo về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo công tác dân nguyện của Ban Dân nguyện, đồng thời cho rằng, báo cáo dân nguyện ngày càng cụ thể, toàn diện và ngày càng chất lượng và tốt hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét công tác dân nguyện hàng tháng, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, không chỉ ở các cơ quan của Quốc hội, mà từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương. Đồng thời đánh giá cao sự chủ động giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của Bộ Công An và Thanh tra Chính phủ.
Nhận thấy tỉ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri hiện nay còn thấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tập trung xử lý kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khoá XV. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, những vụ việc đã có kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện phối hợp cùng Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh mục kèm theo để đôn đốc, thúc đẩy các cơ quan theo dõi giải quyết.
Cho rằng nếu chỉ giám sát chung chung sẽ khó giải quyết vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Ban Dân nguyện cần đi vào giám sát cụ thể. Những vụ việc khiếu nại tố cáo giao cho các cơ quan giám sát làm chặt chẽ, cụ thể để trả lời cử tri và báo cáo trước Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu làm rõ kết quả thực hiện kiến nghị của Ban Dân nguyện |
Phát biểu làm rõ kết quả thực hiện các kiến nghị của Ban Dân nguyện, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, sau khi có Kết luận Phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh làm rõ về một số các vụ án, đặc biệt nhất là các vụ án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Đối với một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, sau Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ Công an nhận được 39 kiến nghị của cử tri do các cơ quan gửi đến đề nghị trả lời, Bộ Công an đã tập trung giải quyết để trả lời cử tri.
Theo đó, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng và tham mưu hoàn thiện về thể chế, cơ chế, chính sách; chủ động dự báo sớm và phát hiện những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những biện pháp phòng ngừa; cùng với đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự;….
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc Văn phòng Chính phủ đã kịp thời có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về chỉ đạo các bộ, ngành, đồng thời đánh giá cao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đã tích cực rà soát các vụ việc tồn đọng, kéo dài để báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” tiếp tục rà soát các vụ việc, kể cả khối hành chính và khối tư pháp để lập hồ sơ báo cáo và lựa chọn các vụ việc thuộc phạm vi theo dõi, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cùng với đó nghiên cứu các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới xảy ra liên quan đến môi trường, đất đai, đình công để lựa chọn một số việc giám sát trực tiếp./.