Làm sao để phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu? |
Nghề nuôi tằm lá sắn đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở ở xã Đào Xá. |
Nghề phụ lại cho thu nhập chính
Gia đình bà Đặng Thị Loan ở khu 11 xã Đào Xá có trên 1ha đất vườn, đồi trồng sắn lấy củ làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhận thấy lá cây sắn bỏ phí, gia đình bà đã tận dụng để nuôi tằm.
Theo bà Loan tằm thường được nuôi từ khoảng tháng 3 đến tháng 10 âm lịch hàng năm; việc nuôi tằm cũng đơn giản, người nuôi không cần nhiều vốn, chịu khó học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật, dành một phần diện tích thoáng mát, sạch sẽ làm khu nuôi và có nhân lực hái lá sắn hai đến ba lần/ngày cho tằm ăn là có thể nuôi được.
Mỗi gói trứng tằm có trọng lượng 0,1kg, với giá 1 triệu đồng, sau 15-20 ngày từ khi trứng nở và phát triển sẽ cho thu khoảng 1,7 đến 1,8 tạ tằm “chín”. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên gia đình bà Loan nuôi quanh năm; vào tháng giêng và tháng 2 âm lịch không có lá sắn, thì cho tằm ăn lá cây Thầu Dầu Ve hoặc sắn ruôi.
Nghề nuôi tằm lá sắn có thể tận dụng lao động lúc nông nhàn, từ người giá đến trẻ em đều có thể tham gia. |
Mỗi tháng gia đình bà Loan nuôi từ 2 đến 3 lứa tằm, với giá bán giao động từ 65- 70 nghìn đồng/1kg, đầu mùa có thể lên tới 100 nghìn đồng/1kg, đã đem lại nguồn thu từ 350-400 triệu đồng/năm cho gia đình.
Hiệu quả kinh tế mang lại cho người nông dân từ mô hình nuôi tằm lá sắn ở Đào Xá đã thấy rõ; mặc dù chỉ được coi là “nghề phụ”, nhưng cũng đã trở thành nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc nuôi tằm ở Đào Xá còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cũng chỉ học hỏi qua sách báo và các nộ nuôi trước; bởi vậy các hộ chăn nuôi tằm mong muốn được các cấp, các ngành tập huấn, trang bị kiến thức về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh để nâng cao năng suất, sản lượng con tằm.
Cũng giống gia đình bà Loan, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh cũng nuôi tằm hơn 10 năm nay và giờ đây nghề phụ này cũng đã trở thành nghề có thu nhập chính của gia đình. Ông Thanh cho biết: Vòng đời của con tằm từ khi còn là cái trứng cho đến lúc “chín” khoảng 20 ngày; vào mùa nắng nóng, tằm phát triển mạnh thì chỉ khoảng 15 ngày là đã có thể thu hoạch để bán làm thực phẩm, nên việc phát triển nghề nuôi tằm rất thuận lợi và có thể tăng lứa nuôi theo nhu cầu; người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia.
Người dân hái lá sắn để nuôi tằm. |
Tuy nhiên từ khi con tằm mới nở đến lúc ăn rỗi phải thật chú ý, không để tằm bị đói; bên cạnh đó, con tằm cực kỳ nhạy cảm với các loại hóa chất, bởi vậy không để các loại chất tẩy, hóa chất có mùi hoặc sử dụng thuốc diệt côn trùng ở khu vực nuôi để tránh khí độc cho tằm; sau mỗi đợt thu hoạch, khu vực nuôi và các vật dụng phải được cọ rửa sạch sẽ, phơi khô, khử trùng bằng vôi bột rồi mới tiếp tục nuôi lứa mới. Mô hình nuôi tằm lá sắn, mỗi năm cũng đã cho gia đình ông nguồn thu trên 200 triệu đồng.
Tằm lá sắn siêu sạch tốt hơn cả sâm nhung
Tuy có vẻ bề ngoài khá đáng sợ với chi chít chân và gai nhưng tằm lá sắn được quảng cáo như một loại thực phẩm “đại bổ như sâm” đang được chị em săn lùng về tẩm bổ hay làm mồi nhậu cho chồng với giá 150.000 đồng/kg.
Được quảng cáo tốt cho thận, dạ dày, ruột và thần kinh, chữa được chứng suy nhược, khó ngủ; bổ sung dưỡng chất cho người gầy yếu, trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng; tăng cường sinh lực cho đàn ông… vì vậy, tằm lá sắn nhận được sự chú ý của hàng loạt các chị em với vô số công dụng tốt cho sức khỏe còn hơn cả sâm nhung.
Tuy có vẻ bề ngoài khá đáng sợ với chi chít chân và gai nhưng tằm lá sắn được quảng cáo như một loại thực phẩm “đại bổ như sâm” . |
Theo BS Kim Minh, nhộng tằm, tằm chín là những món ăn rất giàu dinh dưỡng, được dân gian dùng làm thuốc bổ, dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, người suy nhược, phụ nữ sau đẻ ít sữa, đàn ông di mộng tinh.
Nhộng tằm rất giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin (như vitamin A, B1, B2, PP, C), khoáng chất (nhất là canxi và photpho). Giá trị dinh dưỡng của nó không thua kém thịt cá.
Theo Đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm, tính ấm, có chất bổ như sâm nhung, được dùng làm thuốc bồi dưỡng thần kinh, ăn ngủ kém, di mộng tinh, hư lao, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa nuôi con, cơ thể suy nhược.
Với giá trị về dinh dưỡng và y dược, tằm được nhiều khách hàng lựa chọn, là loại thực phẩm sạch, an toàn, giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin, khoáng chất nên được nhiều người ưa chuộng. So với trồng lúa, ngô hay chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi tằm có thể gọi là nghề “một vốn bốn lời” khi mang lại nguồn thu đáng kể trong thời gian ngắn ngày.
Tằm sắn được chế biến thành các món ăn để bồi bổ sức khỏe. |
Theo Hội Nông dân xã Đào Xá cho biết, địa phương có 2/3 diện tích là đồi rừng nên việc phát triển mô hình nuôi tằm lá sắn là rất thuận lợi. Nghề nuôi tằm cũng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, có hộ thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Để mô hình phát triển hơn nữa, Hội Nông dân Đào Xá cũng đã định hướng thành lập các chi tổ hội nuôi tằm ở khu dân cư, hướng tới thành lập Hợp tác xã nuôi tằm để đảm bảo liên kết giữa các hộ chăn nuôi và ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh thương lái ép giá.
Đào Xá hiện có hơn 600 hộ nuôi tằm lá sắn, mô hình này đã mang lại hiệu quả “kép” cho người nông dân. Từ việc trồng sắn lấy củ để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, người nông dân đã tận dụng lá sắn để phát triển kinh tế gia đình từ nuôi tằm. Với những công dụng cho sức khỏe, tằm lá sắn được ưa chuộng để chế biến thành các món ăn trong nhà hàng và trong mỗi gia đình./.