Điện Biên hiện có 21 di tích được xếp hạng, trong đó, nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với hệ sinh thái núi, rừng, sông, suối, hang động, nguồn nước khoáng nóng tự nhiên.
Đặc biệt, với 19 dân tộc cùng chung sống đã tạo ra sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc và nhiều lễ hội truyền thống tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là Điện Biên...
Điện Biên tập trung khai thác lợi thế, phát triển du lịch cộng đồng
Hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, ngành du dịch Điện Biên tập trung phát triển hạ tầng du dịch. Một số mô hình Homestay nhằm phục vụ khách lưu trú, cung cấp dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, trải nghiệm cho du khách được hình thành.
Các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho người dân tại các bản được đầu tư, xây dựng.
Trao đổi về việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện nay, tỉnh có 10 bản văn hóa, bên cạnh đó còn có sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc và nhiều lễ hội truyền thống… là những lợi thế quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng.
Xác định đó là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thời gian gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung phát triển một số mô hình Homestay nhằm phục vụ khách lưu trú, cung cấp dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Ðồng thời, đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho nhân dân tại các bản.
Phát triển đa dạng loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Điện Biên đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực
Ðể phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; ngành cũng chú trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho người dân làm chủ, đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa…
Đến nay, hoạt động du lịch cộng đồng tại thu được một số kết quả đáng kể, góp phần làm thay đổi diện mạo của du lịch Điện Biên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, dù có nhiều lợi thế nhưng hoạt động du lịch cộng đồng ở Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế, như: Các dịch vụ về ẩm thực, văn nghệ còn trùng lặp, chưa phong phú, đa dạng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường chưa giải quyết triệt để; nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một...
Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc; tích cực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Ðiện Biên, đặc biệt là du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế tại các bản, làng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bởi vì đó là hướng đi cần thiết và quan trọng nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, khai thác tốt các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với Ðiện Biên.
Khánh Hòa