Tại Việt Nam phổ biến trên thị trường hai dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Thuốc lá điện tử là thiết bị dùng pin để làm nóng dung dịch (tinh dầu) có hoặc không có ni-cô-tin và hương liệu. Thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị điện tử và sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra sol khí chứa ni-cô-tin với hương vị thuốc lá cho người sử dụng hít vào.
Ảnh minh họa.
Mặt hàng thuốc lá thế hệ mới hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm không kiểm soát dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều chất độc, chất gây ung thư khác cũng được tìm thấy trong dung dịch và khói thuốc lá điện tử, trong đó phải kể đến như formaldehyde, nitrosamines, acetaldehyde, vòng benzen... WHO cũng cảnh báo về xu thế trộn hương vị, thậm chí cả ma túy trong các dung dịch thuốc lá điện tử.
Ngoài tính gây nghiện, nicotine có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi trong quá trình mang thai và các bệnh tim mạch. Tiếp xúc với nicotine ở trẻ vị thành niên và thai nhi có ảnh hưởng lâu dài đến phát triển não bộ, tiềm năng dẫn đến rối loạn học tập và rối loạn tâm thần kinh. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, việc hít phải các hương liệu trong dung dịch TLĐT lâu dài sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Sáng 5/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo tham vấn các ý kiến liên quan đến chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Tham dự hội thảo, Ths Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trình bày một số vấn đề pháp lý đặt ra đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng như định nghĩa, đặc tính sản phẩm, ghi nhãn, in, cảnh báo sức khỏe và sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá và thẩm quyền cho phép thi điểm các vấn đề khác đối với với quy định của luật…
Ths Trang cũng nêu cơ sở, quan điểm về các tác động bất lợi của 2 loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe, xã hội, các tác động bất lợi về kinh tế; năng lực kỹ thuật, khả năng quản lý chưa sẵn sang, cơ chế pháp lý của các nước khác nhau.
Trên cơ sở đó, bà Trang kiến nghị Chính phủ, đối với thuốc lá điện tử cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo.
Đối với thuốc lá nung nóng: Tốt nhất cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo.
Trong trường hợp thí điểm, chỉ xem xét việc thực hiện thí điểm sau khi hoàn thiện tất cả các công cụ pháp lý và điều kiện kỹ thuật để quản lý theo nguyên tắc: Kiểm soát ở mức độ ít nhất là tương tự đối với thuốc lá thông thường; Có đầy đủ các quy định pháp luật trước khi thí điểm; Tổ chức thí điểm có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan; sau 1 thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ về sức khỏe, xã hội, kinh tế để báo cáo Chính phủ xem xét; Việc thực hiện thí điểm phải được Quốc hội cho phép để bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.
Thanh Hà