Nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật để tạo sự đa dạng và cân đối về dinh dưỡng. |
Hiện nay trên bếp ăn của các gia đình, mỡ lợn nói riêng và mỡ động vật nói chung đang dần vắng bóng, thay thế vào đó là các loại dầu ăn công nghiệp. Sở dĩ có tình trạng này là do các loại mỡ động vật bị gán mác không tốt cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến chuyển hóa.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc loại bỏ mỡ động vật ra khỏi khẩu phần ăn là sai lầm, nhất là với trẻ nhỏ, bởi mỡ có vai trò rất lớn cho sự phát triển, nhất là não của trẻ.
Bác sĩ Lâm chia sẻ: “Nếu nhìn rộng ra chúng ta có thể thấy, thành phần mỡ động vật vẫn có trong thực phẩm ở những dạng khác nhau, ví dụ như ăn gà cả da, ăn thịt lợn luộc, thịt rang, thịt kho hay gầu bò vẫn có tỉ lệ mỡ nhất định. Tuy nhiên, với những trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm, ăn cháo thì lượng mỡ động vật quá ít, hoặc không có nên việc bổ sung mỡ là điều cần thiết”.
Mỡ cá tốt nhất trong các loại mỡ động vật, tuy nhiên rất ít người sử dụng cho trẻ trong chế độ ăn. |
Theo bác sĩ Lâm, trong các loại mỡ động vật thì mỡ cá là tốt nhất, sau đó đến mỡ gà, mỡ lợn… Tuy nhiên, mỡ cá thường có mùi tanh nên mọi người rất ít hoặc không sử dụng trong chế biến bữa ăn cho trẻ. “Mỡ cá là nguồn cung cấp omega 3 rất dồi dào, đặc biệt là những loại cá biển. Với trẻ nhỏ, mỡ cá có vai trò quan trọng với gan, não, tim… vì chúng chứa nhiều axit béo không no. Còn với người trưởng thành, mỡ cá cũng giúp hạn chế hình thành cholesterol trong máu, ngăn ngừa chứng nghẽn mạch máu và đột quỵ. Do vậy, nên ăn cá hoặc dùng mỡ cá để chế biến ít nhất 2 tuần/lần”, bác sĩ Lâm chia sẻ thêm.
Riêng đối với mỡ lợn, mỡ gà, theo bác sĩ Lâm, mọi người không nên bỏ qua nhưng cũng đừng lạm dụng. Bời vì đây là chất dinh dưỡng quan trọng với sức khỏe của trẻ nhỏ, là thành phần không thể thiếu cấu tạo nên màng tế bào, nhất là các tế bào thần kinh và nhiều hormone quan trọng khác.
Trong quá trình chăm sóc con cần cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật. |
Bác sĩ Lâm cũng lưu ý các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc con cần cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật với tỉ lệ 50/50. Ví dụ đơn giản nhất, nếu chuẩn bị bữa ăn cho con có thịt lợn (cả mỡ, cả nạc) thì không cần phải cho thêm dầu thực vật hay mỡ động vật (mỡ phần). Ngược lại, với những bữa ăn được xay nhuyễn từ củ quả thì cần cho thêm mỡ động vật để tạo độ béo và ngon cho bữa ăn của trẻ.
“Việc dùng dầu ăn hay mỡ động vật khi chế biến cũng cần lưu ý: Các loại mỡ chưa qua chế biến (còn tươi) thì cho vào nấu cùng cháo hoặc chế biến chín trước khi ăn. Với dầu thực vật và mỡ đã sơ chế (đã rán trước) khi nào nấu cháo gần được mới cho vào và ăn ngay khi còn ấm nóng”, bác sĩ Lâm chia sẻ.
Cuối cùng, bác sĩ Lâm khuyến cáo, bất kể thực phẩm nào cũng có tính hai mặt, vì thế mọi người nên cân nhắc, tìm hiểu thông tin trước khi đưa ra quyết định. Không quá tập trung hay loại bỏ hoàn toàn bất kỳ một loại thực phẩm nào.