Khu nhà mái tôn chạy dọc bờ ao với ngổn ngang các chi tiết và bộ phận máy móc chính là “công xưởng” của ông Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1957) - Cựu chiến binh phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Đây cũng là không gian sáng tạo để ông Hùng cho ra đời không chỉ máy tinh lọc mật ong, mà cả các phiên bản máy cấy lúa cầm tay, máy phát điện bằng dầu hỏa siêu tiết kiệm nhiên liệu và nhiều máy móc khác từ những năm trước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đang miệt mài với máy móc ở các khâu hoàn thiện |
Để có đủ trình độ sáng chế ra những cỗ máy, phải kể đến quá trình "hun đúc" kiến thức và liên tục tự trau dồi học tập của người cựu chiến binh sinh năm 1957.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, năm 1977, khi vừa học xong bậc THPT, người thanh niên Nguyễn Mạnh Hùng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi vào Quân đoàn 2 đóng quân tại Thừa Thiên - Huế, đất nước có biến cố, ông được điều động tham gia chiến đấu cả hai nơi ác liệt thời ấy là chiến trường Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.
Khi tham gia kháng chiến ông Hùng đã 2 lần bị thương nặng, một lần bị gãy chân và một lần bị chấn thương sọ não. Do sức khỏe yếu nên ông Hùng được đưa về đi học Trường Sĩ quan Kỹ thuật tên lửa ở thị xã Sơn Tây. Sau đào tạo, ông được điều công tác tại một đơn vị phòng không thuộc TP Đà Nẵng ngày nay. Nhưng rồi vết thương sọ não liên tục tái phát, không đủ sức khỏe công tác nên năm 1988, người thương binh 81% phải ra quân, về quê sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, với lòng nhiệt huyết và ham học hỏi của người chiến sĩ, ông Hùng vẫn mày mò nghiên cứu, tự học tập nâng cao trình độ để phát triển thêm kiến thức nền của một kỹ sư chuyên ngành tên lửa.
Là nông dân với nhiều mô hình nông nghiệp đã trở thành điển hình của tỉnh như di ương cá rô đầu vuông để phát triển đại trà cho tỉnh Thanh Hóa, nuôi cá lóc trong bể xi măng, nuôi ruồi lính đen, đặt ong thả rừng Am Các... nên ông Nguyễn Mạnh Hùng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Cộng với kiến thức về cơ khí và điện tử cùng “máu” sáng chế đã giúp ông hiện thực hóa những công trình nghiên cứu của riêng mình.
Càng đi sâu vào những câu chuyện, chúng tôi càng thêm ngỡ ngàng với sự hiểu biết khoa học của người cựu chiến binh – nông dân tuổi 65 này. Với nhiều loại máy móc có tính chất khác nhau, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đều vanh vách nói về nguyên lý hoạt động, những đặc điểm khác biệt. Hằng ngày lướt máy tính và điện thoại nghiên cứu nhiều thông tin khoa học như những người trẻ tuổi, “nhà sáng chế” lục tuần còn dễ dàng tìm mua được những thiết bị hay chi tiết máy mình đang cần.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu chiếc máy tinh lọc mật ong của mình. |
Người nông dân Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nguyên lý vận hành và những ưu việt của máy tinh lọc mật ong khi sử dụng trong thực tiễn. Từng đoạn dây, con tụ đến hệ thống mô tơ quay; từ hệ thống tăng nhiệt, làm mát đến rơ le tự ngắt bảo đảm an toàn, tất cả được ông mày mò nghiên cứu, lắp ráp. Với cả trăm chi tiết máy từ lớn đến tiểu tiết được ông chế hoặc mua về lắp ráp mà thành. Những bảng mạch điện tử tự thiết kế cũng được ông số hóa, rồi mở máy tính cho chúng tôi xem.
Hai bộ phận lớn nhất của máy là 2 thùng chứa mật bằng Inox để bảo đảm vệ sinh, dễ lau chùi sau khi sử dụng. Theo nguyên lý hoạt động, mật ong được đưa vào thùng thứ nhất, máy vừa khuấy vừa ủ ấm 40 độ C gây bốc hơi nước nhằm tách thủy phần trong mật. Cùng với đó, hệ thống tia UV được chiếu vào mật để khử khuẩn nhưng vẫn không làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng và các enzim có lợi. Sau đó mật được tự động chuyển sang thùng làm lạnh, thổi ôxi và đánh khuấy tạo thành hệ thống bọt li ti kéo theo những tạp chất nổi lên trên. Số ít phần mật lẫn tạp chất bị tách ra vẫn có thể tận dụng làm thức ăn cho ong nên không lãng phí.
Nguyên lý là vậy, nhưng để đạt được thành công, ông Nguyễn Mạnh Hùng phải mất hơn 2 năm vừa nghiên cứu, thực thi với 4 lần cải tạo lớn để cho ra phiên bản cuối cùng như hôm nay. Từng con tụ điện tử rời rạc được mua về, nhưng để thành hệ thống vận hành phải cần trí tuệ. Từ chiếc lốc tủ bảo ôn đơn lẻ, phải khớp nối sao cho đồng bộ với hệ thống máy, làm lạnh khuếch tán đều khắp thùng mật. Với chiếc mô tơ mua ở cửa hàng điện cơ, phải chế để vận hành được cả hai bộ phận làm lạnh và ủ ấm các thùng mật... Toàn bộ cỗ máy được cố định trên khung kim loại, có bánh lăn để di chuyển cơ động, dễ dàng đưa đến những vùng địa hình đặt thùng ong phức tạp. Với công suất lọc mỗi mẻ được 80 lít mật trong quy trình 3 giờ, một máy lọc có thể đưa đi làm dịch vụ cho cả vùng. Thỉnh thoảng, vẫn có người tận huyện Hà Trung, Như Thanh, Nông Cống... mang từng can mật đến tận nhà để nhờ ông lọc mật.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã bán ra thị trường 20 chiếc máy tinh lọc mật ong cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Theo ông Hùng, trên thị trường hiện cũng có nhiều máy tách thủy phần mật ong được bán rộng rãi nhưng cơ bản mới tách được hàm lượng nước, chưa tách được những tạp chất mịn. Với sự ưu việt, chiếc máy của ông Nguyễn Mạnh Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế và chứng nhận bản quyền với tên gọi “Máy tinh lọc mật ong”.
Chiếu theo các quy chuẩn hiện hành, hàm lượng nước trong mật ong sau khi sơ chế bằng máy của ông Nguyễn Mạnh Hùng thấp hơn nhiều chỉ số 18,5%. Các thành phần tạp chất, cả những chất mịn không nhìn thấy bằng mắt cũng cơ bản được loại bỏ. Khoảng thời gian đưa vào vận hành ở địa phương và nhiều huyện trong tỉnh từ năm 2018 đến nay, đủ để minh chứng cho tính hiệu quả. Mật sau khi được lọc hầu như không bị lên men, đậm đặc hơn, vẫn giữ nguyên màu cánh gián mà không dần chuyển đen như trước kia. Hiện nay, phần đa các sản phẩm mật ong OCOP của Thanh Hóa đã được lọc qua máy này trước khi đưa ra thị trường.
Tại xã Nga Thạch (Nga Sơn), gia đình ông Nguyễn Văn Nam có nghề nuôi ong mật với tồng gần 200 đàn. Tiếng lành đồn xa nên từ cuối năm 2022, ông đã mua máy tinh lọc mật ong của ông Nguyễn Mạnh Hùng. Gần nửa năm sử dụng liên tục, máy cho hiệu quả vượt trội giúp gia đình nâng cao chất lượng mật.
“Vận hành đơn giản bằng điện 220V, máy lọc mật ong của ông Hùng ngoài giúp tách được thủy phần nước còn lọc ra được các cặn bẩn và tạp chất trong mật. Sau lọc, mật ong để lâu không bị biến màu đen như trước, không lên men gây vị chua, lại đậm đặc hơn. Chúng tôi đang triển khai hồ sơ đề xuất mật ong đặt ở khu vực rừng ngập mặn Nga Sơn thành sản phẩm OCOP trong năm nay”, ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Nhận thấy máy tinh lọc mật ong của ông Nguyễn Mạnh Hùng có tính thực tiễn cao nên thời gian gần đây, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ nhiều hội viên tiếp cận, giúp đưa một số máy lên tinh lọc mật ong cho các huyện miền núi của tỉnh. Tại một số cuộc triển lãm cấp tỉnh vài năm gần đây, chiếc máy này cũng được đưa đi trưng bày, giới thiệu như là thành tựu trong sáng tạo sản xuất của người nông dân xứ Thanh.