Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp đà tăng mạnh Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tốc ngay tháng đầu năm, đạt 1,5 tỷ USD |
Các đại biểu Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp |
Luật Lâm nghiệp được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 15/11/2017, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 nhằm tạo khung pháp lý để lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh.
Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết phù hợp, Luật Lâm nghiệp được xây dựng nhằm tạo cơ chế, chính sách tạo nguồn và thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp, hài hòa các lợi ích của Nhà nước, chủ rừng và cộng đồng dân cư; tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Đề án xác định quan điểm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Cũng theo quan điểm được xác định tại đề án, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030. Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đề ra nhiệm vụ trong việc phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất ngành lâm nghiệp. Theo đề án, 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được hình thành nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.
Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất, chủ động xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường quốc tế |
Các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế sẽ được phát triển và mở rộng. Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, thân thiện với môi trường. Đề án cũng nêu rõ cần đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển các nguyên liệu phụ trợ keo dán gỗ, các chất sơn phủ, trang trí bề mặt thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics; Xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế; Khuyến khích phát triển các trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ phù hợp với nhu cầu, văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng.
Về việc phát triển thị trường thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, đề án xác định tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế; Thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thê giới; Xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu “Gỗ Việt”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế;
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online hoặc qua các sàn thương mại điện tử; Thông tin thương mại, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu chính, gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng theo các nhóm sản phẩm gỗ và tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt; Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại gỗ tại nước ngoài, hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam và các hội nghị quốc tế ngành chế biến gỗ để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với việc phát triển thị trường trong nước, đề án xác định nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu thị trường trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng đồ gỗ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, thói quen mua sắm của người Việt; thưòng xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm gỗ Việt đến người tiêu dùng; tập trung xúc tiến và phát triển thị trường nội địa trên cơ sở xác định thực trạng và vai trò của thị trường nội địa, xu hướng cung, cầu và mối tương quan giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu; tổ chức các hội chợ, triển lãm đồ gỗ Việt, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến gỗ và lâm sản đối với người tiêu dùng trong nước; các hoạt động bán hàng thông qua các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín.
Bên cạnh đó, đề án cũng hướng tới kịp thời tháo gỡ khó khăn về rào cản thương mại, kỹ thuật trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; cung cấp, hỗ trợ doanh nghiệp thông tin pháp lý, thị trường gỗ toàn cầu; cam kết hợp tác giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Ngoài ra, đối với việc phòng, chống gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, đề án xác định rõ nhiệm vụ giám sát các giao dịch, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất nhằm thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm; Kiểm tra, xác định xuất xứ, quản lý đối với một số nhóm hàng hóa có giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng đột biến, có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Thu thập thông tin các mặt hàng áp thuế chống bán phá giá của các nước và dự báo khả năng hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, để có biện pháp nghiệp vụ thích hợp./.