Mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức kéo dài, chúng ta thường có xu hướng đi tìm các phương pháp để làm mát cơ thể. Tuy nhiên, chính việc lạm dụng các phương pháp làm mát như điều hòa quá thấp, ăn đồ lạnh, để quạt thốc thẳng vào cổ họng… là những nguyên nhân dẫn tới viêm họng vào mùa hè.
Y học cổ truyền với kinh nghiệm dùng dược liệu thiên nhiên hơn ngàn năm, đã chỉ ra nhiều vị thuốc hay, dân dã, gần gũi có tác dụng giảm đau họng trong bệnh viêm họng. Trong đó không thể không nhắc tới cây dâu tằm - loại cây có thể sử dụng nhiều bộ phận để làm thuốc với nhiều công dụng quý.
Lợi ích với sức khỏe của cây dâu tằm
Mỗi bộ phận của dâu tằm đều có những lợi ích cho sức khỏe nhất định, chẳng hạn:
Quả dâu tằm: Có vị ngọt, chua, tính mát và là bộ phận chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic, Vitamin (C, K1, E), sắt, kali, các hợp chất thực vật (Anthocyanins, Cyanidin, Axit chlorogenic, Rutin, Myricetin)... nên đem lại nhiều lợi ích như: cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, kiểm soát lượng đường trong máu, phòng ngừa ung thư, cải thiện lưu thông máu, tăng cường miễn dịch, tốt cho sức khoẻ mắt…
Lá dâu: Có vị đắng, ngọt, tính bình, chứa các chất như caroten, tanin, ít tinh dầu, vitamin C, cholin, adenin, trigonelline... hiệu quả trong việc tán phong, thanh nhiệt, chữa cảm mạo, hạ huyết áp, chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ, chứng thổ huyết, làm lành vết thương, làm sáng mắt…
Đặc biệt, trong lá dâu tằm còn chứa hợp chất alkaloid Deoxynojirimycin, có tác dụng điều trị và phòng ngừa đái tháo đường.
Cành dâu: Có vị đắng nhạt, tính bình, có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như trừ phong, thông kinh lạc, tiêu viêm, các bệnh về khớp, hạ nhiệt, giảm đau.
Vỏ rễ dâu: Có tính mát, vị ngọt, hơi đắng, thường được dùng để hỗ trợ điều trị ho, hạ suyễn, tiêu sưng, băng huyết, tăng huyết áp… Các chất flavonoid có trong rễ dâu tằm như alkaloid, stilbenoids... có tác dụng kháng khuẩn, làm trắng da, chống viêm…
Tầm gửi trên cây dâu: Có tác dụng an thai, lợi sữa, lợi tiểu, lợi huyết mạch.
Một số bài thuốc từ cây dâu tằm
Bài thuốc chữa ho lâu ngày, viêm họng
Chuẩn bị: Vỏ rễ dâu, thiên môn, bách bộ, bỏ lõi, sao vàng, sâm bố chính, mỗi thứ 10g. 8g cam thảo dây và để tươi, 5g xạ can, vỏ quýt 5g.
Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước và đun cô đặc còn khoảng 100ml và chia uống 2 lần/ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh tọa
Chuẩn bị: Sử dụng cành dâu, ngưu tất, thổ phục linh, thiên niên kiện mỗi thứ 12g, cà gai leo, lá lốt, đỗ đen sao mỗi vị 10g.
Thực hiện: Đem sắc uống ngày một thang thuốc, uống trong thời gian dài
Bài thuốc hỗ trợ chữa mồ hôi trộm ở trẻ em
Chuẩn bị:Sử dụng 20g quả dâu chín và lá dâu non, 30g đậu đen, 12g ô mai mơ và vỏ hàu nướng vàng.
Thực hiện: Đem sắc uống trong ngày
Bài thuốc cải thiện giấc ngủ, kém ăn, đau lưng, mỏi gối
Chuẩn bị: Dùng quả dâu chín phơi khô, hạt vừng đen, hạt sen bỏ tâm, đỗ đen, tất cả đều 100g. Đem các nguyên liệu đi sao vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong để làm viên bằng hạt ngô.
Thực hiện: Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 30 viên.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị chân tay tê bại, tắc tia sữa
Chuẩn bị:Tầm gửi cây dâu 30g, rễ ngưu tất 20g.
Thực hiện: Thái nhỏ, phơi khô 2 nguyên liệu trên, sắc uống trong ngày
Bài thuốc hỗ trợ chữa sốt nóng, tức ngực, ho nhiều có đờm
Chuẩn bị: Lá dâu 12g, kim ngân 12g, cúc hoa vàng 10g, bạc hà 10g, ngải cứu 10g, xạ can 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang, dùng từ 5 - 6 ngày
Chữa ho ra máu
Chuẩn bị: 30g tầm gửi cây dâu và thài lài tía, 10g rễ cây chuối hột và rễ cỏ tranh
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang
Một số lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ cây dâu tằm
Cây dâu tằm có thể được tận dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, nhưng mọi người nên lưu ý một số vấn đề khi sử dụng các bài thuốc này để đảm bảo sức khỏe:
Quả dâu tằm có tính hàn, những người bệnh thuộc hàn chứng như sôi bụng, tiêu chảy không nên dùng các bài thuốc hoặc dùng siro từ quả dâu.
Bài thuốc từ cây dâu tằm chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, không thể thay thế các chỉ định điều trị từ bác sĩ.
Khi sử dụng bài thuốc từ cây dâu tằm, bạn nên đến bệnh viện hoặc thăm khám tại các nhà thuốc Đông y để được chẩn đoán đúng bệnh và điều chỉnh bài thuốc cho phù hợp.
Khi sử dụng các bài thuốc từ cây dâu tằm mà thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên ngưng sử dụng và xin lời khuyên từ bác sĩ hoặc thầy thuốc.