Diệt muỗi từ gốc
Theo các chuyên gia, muỗi vằn – tác nhân chính truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sản trong các dụng cụ chứa nước sạch quanh nhà. Để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần chủ động loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng.
![]() |
Theo các chuyên gia, muỗi vằn – tác nhân chính truyền bệnh sốt xuất huyết. |
Cụ thể, cần đổ nước trong bình hoa, úp các chum vại không sử dụng, dọn dẹp các vật dụng có khả năng đọng nước như lon, chai, lốp xe, đồ phế thải quanh nhà. Ngoài ra, có thể thả cá vào bể cảnh, bồn chứa để tiêu diệt lăng quăng. Các khay nước điều hòa, giếng, bể chứa, xô chậu… phải được đậy kín và vệ sinh định kỳ.
Khu vực sân thượng, ban công, máng xối cũng cần được dọn dẹp thường xuyên để tránh đọng nước sau mưa – nơi muỗi vằn dễ sinh sôi.
Phòng muỗi đốt
Ngăn muỗi đốt là biện pháp quan trọng để bảo vệ cá nhân, đặc biệt trong thời điểm muỗi hoạt động mạnh vào ban ngày. Người dân được khuyến cáo mặc quần áo dài tay, sử dụng màn khi ngủ cả ban ngày lẫn ban đêm.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm dễ bị muỗi đốt do thường xuyên vui chơi, ngủ trưa vào ban ngày – thời điểm muỗi vằn hoạt động mạnh. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý bảo vệ nhóm đối tượng này.
Các biện pháp hỗ trợ khác như sử dụng kem chống muỗi, nhang muỗi, vợt điện cũng nên được kết hợp đúng cách.
Theo dõi biểu hiện, điều trị sớm
Trong mùa dịch, mọi trường hợp sốt cao liên tục trên 2 ngày cần được đưa đi khám để loại trừ nguy cơ sốt xuất huyết. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: mệt mỏi, li bì, buồn nôn, đau bụng, chảy máu cam, bầm tím dưới da, tay chân lạnh.
Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt như aspirin hoặc ibuprofen, do các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nặng. Thay vào đó, nên sử dụng paracetamol theo chỉ định và bù nước bằng oresol, nước lọc, nước trái cây.
Việc theo dõi sát các biểu hiện lâm sàng sẽ giúp phát hiện sớm diễn biến nặng và xử lý kịp thời.
![]() |
Việc theo dõi sát các biểu hiện lâm sàng sẽ giúp phát hiện sớm diễn biến nặng và xử lý kịp thời. |
Phun hóa chất diệt muỗi
Phun hóa chất là biện pháp được áp dụng để tiêu diệt muỗi trưởng thành trong khu vực có nguy cơ cao. Tuy nhiên, việc phun thuốc cần đảm bảo đúng quy trình để phát huy hiệu quả và tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Người dân cần tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, không tự ý mua và sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc. Khi phun tại khu vực có trẻ nhỏ, cần tránh phun trực tiếp vào đồ chơi, bàn ghế, vật dụng sinh hoạt mà trẻ thường tiếp xúc. Chỉ nên phun ở các bề mặt như tường, gầm tủ, góc nhà – nơi muỗi ẩn náu.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại hóa chất diệt muỗi, người dân cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép và có chỉ số an toàn cao.
Tăng đề kháng
Bên cạnh các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt, việc nâng cao sức đề kháng là yếu tố quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nặng.
Chuyên gia khuyến cáo duy trì lối sống lành mạnh: ăn đủ chất, bổ sung vitamin từ rau xanh và trái cây, ngủ đủ giấc, luyện tập thể dục thường xuyên. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại virus hiệu quả hơn.
Tiêm vắc xin
Hiện nay, vắc xin phòng sốt xuất huyết đã được triển khai tại một số địa phương cho nhóm đối tượng phù hợp. Đây là giải pháp chủ động giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng nếu nhiễm virus.
Người dân có nhu cầu tiêm chủng nên đến các cơ sở y tế được cấp phép để được tư vấn và tiêm phòng đúng lịch, đúng độ tuổi.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Chủ động diệt muỗi, phòng muỗi đốt, theo dõi sức khỏe và tiêm phòng đúng cách là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân và cộng đồng trong mùa dịch.
![]() |
![]() |
![]() |