Cây màng tang là một loài cây có nhiều giá trị và công dụng trong y học cổ truyền và hiện đại. Từ việc sử dụng lá để trị các bệnh ngoài da và đường ruột, đến việc chiết xuất tinh dầu để cải thiện sức khỏe tim mạch và thanh lọc không khí, cây màng tang đã chứng minh được hiệu quả của mình trong nhiều lĩnh vực. Loài cây này đích thức là một nguồn tài nguyên quý báu đáng được khám phá.
Đặc điểm sinh học và hoá học của cây màng tang
Cây màng tang còn được biết đến với tên gọi May Chang, tiêu rừng, hay sơn kê tiêu, có tên khoa học là Litsea cubeba Pers, thuộc họ Long não (Lauraceae). Loài cây này được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc vùng Đông Nam Á, Nam Trung Quốc và một số nơi ở Ấn Độ, thường mọc tự nhiên ở các vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, cũng như ở Kon Tum và Lâm Đồng. Cây màng tang có nhiều ứng dụng trong y học cổ truyền và hiện đại, đặc biệt là trong việc chiết xuất tinh dầu với nhiều công dụng hữu ích.
Cây màng tang thường mọc ở độ cao 100 đến 1500 m so với mực nước biển, thường ở rừng thứ sinh hoặc rừng sau khi người dân làm nương rẫy. Đây là loại cây nhỡ, cao từ 5-8m, với thân vỏ xanh có lỗ bì, cây già có màu nâu xám và cành nhỏ mọc ngang. Lá của cây mọc so le, hình mác dài khoảng 10cm, rộng 1,5-2,5cm, mặt trên lá màu xanh sẫm, mặt dưới màu tro trắng. Khi vò nát, lá có mùi thơm của sả. Hoa của cây nhỏ, khác gốc, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá. Quả mọng hình tròn hoặc hình trứng, khi chín có màu đen và mùi rất thơm.
Theo các nghiên cứu hiện đại, Cây chứa tinh dầu và hoạt chất alcaloid laurote tanin; Vỏ cây chứa alcaloid N-methyl-laurote tanin; Vỏ của rễ có chứa 0,2 đến 1,2% tinh dầu chủ yếu là citronellol và citral; Quả có chứa lượng tinh dầu lớn nhất 38-43% tinh dầu chiết xuất citral; Lá cây chứa 0,2-0,4% tinh dầu bao gồm cineol, andehit và ancol; Hoa cũng chứa tinh dầu chủ yếu là andehit. Lá và quả màng tang dùng để chiết xuất tinh dầu. Lá cho ít tinh dầu hơn và chất lượng thấp hơn.
Một số nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả của tinh dầu màng tang đối với lĩnh với Y học
Tác dụng Kháng khuẩn và Kháng viêm: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu Litsea cubeba Pers có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ, đặc biệt là chống lại vi khuẩn E. coli. Tinh dầu này có thể tiêu diệt hoặc làm tổn thương vi khuẩn chỉ trong 2 giờ đầu tiếp xúc.
Tinh dầu Litsea cubeba Pers cũng được chứng minh có tác dụng kháng viêm. Một nghiên cứu đã cho thấy tinh dầu này có khả năng giảm viêm ruột do lipopolysaccharides (LPS) gây ra, đồng thời điều hòa hệ vi sinh đường ruột.
Tác dụng Chống oxy hóa và Chống ung thư: Tinh dầu Litsea cubeba Pers chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các phân tử trong cơ thể khỏi tổn thương do stress oxy hóa. Ngoài ra, tinh dầu này còn có khả năng chống lại các dòng tế bào ung thư phổi, gan và miệng ở người.
Tác dụng Cải thiện tâm trạng và Giảm căng thẳng: Một nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc hít tinh dầu Litsea cubeba Pers lên trạng thái tâm lý và mức cortisol trong nước bọt của người khỏe mạnh. Kết quả cho thấy, việc hít tinh dầu này cải thiện đáng kể trạng thái tâm lý tổng thể và giảm mức độ nhầm lẫn, đồng thời giảm mức cortisol trong nước bọt.
Tác dụng Điều trị viêm khớp: Một nghiên cứu đã điều tra hiệu quả của chiết xuất từ rễ Litsea cubeba Pers trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp trên chuột. Kết quả cho thấy chiết xuất này có khả năng giảm sưng viêm, giảm mức độ các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-1β, và IL-6, đồng thời tăng mức IL-10, một cytokine chống viêm.
Tác dụng Điều hòa Hệ vi sinh đường ruột: Tinh dầu Litsea cubeba Pers đã được chứng minh có khả năng điều hòa hệ vi sinh đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa và giảm các triệu chứng viêm ruột. Nghiên cứu này cho thấy tinh dầu có thể bảo vệ mô đại tràng, duy trì sự toàn vẹn của biểu mô, và giảm mức độ các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-6, và IL-1β.
Tác dụng Kháng khuẩn đối với Vi khuẩn Kháng Methicillin: Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng tinh dầu Litsea cubeba Pers có hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ đối với vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), cho thấy tiềm năng của nó trong việc điều trị các nhiễm trùng kháng thuốc.
Một số công dụng khác của cây màng tang
Theo Y học hiện đại, màng tang có khả năng: An thần, Chống loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, Chống loét dạ dày do HCl, Kháng quá mẫn do Albumin gây ra, Kháng khuuẩn với các chủng Bacillus mycoides, E.coli,…
Theo Y học cổ truyền: Dược liệu màng tang vị cay, tính ấm, từ lâu đã được sử dụng để chữa cảm lạnh, nhức đầu, đau đầu, đau bụng do lạnh; Chữa các cơn tê đau do lạnh; Trị cơn suyễn; Trị phong thấp, đau nhức xương, tay chân tê dại; Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều; Quả dùng chữa ăn uống không tiêu, đau dạ dày; Lá có thể dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn.
Hiện nay màng tang thường được sản xuất chiết xuất tinh dầu làm nguyên liệu để sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp như gia vị, thực phẩm, hương liệu, chất thơm cho ngành sản xuất chất tẩy rửa. Ngoài ra, tinh dầu này còn là nguồn nguyên liệu tổng hợp Vitamin A và một số chất khác hoặc hương thơm tổng hợp (hương violet...).
Ngoài ra, tinh dầu còn dùng thanh lọc không khí, khử mùi hôi, trị viêm xoang mũi dị ứng và trị mụn trứng cá, nhiễm trùng da…
Nhu cầu thị trường tinh dầu màng tang trong nước và trên thế giới
Tại Việt Nam, tinh dầu màng tang chủ yếu được sản xuất từ nguồn thu hái tự nhiên trong các cánh rừng tại Tây Bắc. Hàng năm, vào mùa quả chín (từ tháng 7 đến tháng 10) người dân tại các vùng bìa rừng tại Điện Biên và một số tỉnh lân cận như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu thường vào rừng thu hái quả Màng tang chín bán lại cho các cơ sở chưng cất tinh dầu thủ công. Việc thu hái quả hoàn toàn tự nhiên với đủ chủng loại, chất lượng khác nhau nên tinh dầu chưng cất không ổn định cả về chất lượng và số lượng. Do đó, giá bán tinh dầu Màng tang Việt Nam chỉ vào khoảng 500 ngàn/ kg và chỉ có thể tiêu thụ nội địa hoặc bán sang Trung Quốc.
Nhu cầu tinh dầu màng tang trên thế giới hiện nay ước đạt 1500 - 2000 tấn/ năm với giá bán từ 25 – 40 USD/kg; Tại Châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Campuchia là các nước có nhu cầu cao về tinh dầu màng tang, khu vực này dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong việc sử dụng loại tinh dầu này. Trung Quốc hiện đang là nước xuất khẩu tinh dầu Màng tang lớn nhất, tuy nhiên trong đó có rất nhiều sản phẩm là tinh dầu Màng tang được thu gom tại Việt Nam sau đó tinh chế lại và đóng nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc. Tại Singapore – thị trường chính, đầu mối trung chuyển các loại tinh dầu khu vực châu Á – nhu cầu tinh dầu Màng tang là rất lớn, cung không đủ cầu; giá tinh dầu Màng tang có sự thay đổi rất lớn giữa chính vụ và trái vụ, chênh lệch có thể lên tới 120 triệu VNĐ/ Tấn.
Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh sử dụng cây màng tang
Xông hơi giải cảm: Nhỏ vài giọt tinh dầu màng tang kết hợp với tinh dầu bưởi và tinh dầu hương nhu vào chậu nước nóng. Trùm kín chăn lên để hơi bốc lên toàn thân và xông trong vòng khoảng 15 phút.
Hỗ trợ tiêu hoá: Trộn vài giọt tinh dầu màng tang với một loại dầu nền và nhẹ nhàng xoa bóp lên dạ dày và bụng dưới.
Giảm đau nhức xương khớp: Rửa sạch 30g rễ cây màng tang, đun nhỏ lửa với 500ml nước cho tới khi còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống liên tục trong 5 ngày.
Trị mụn trứng cá và nhiễm trùng da: Thoa trực tiếp tinh dầu màng tang lên vùng da bị mụn hoặc nhiễm trùng sau khi đã pha loãng với dầu nền.
Trị viêm xoang mũi dị ứng: Sử dụng lá màng tang 60g, lá ngải cứu 60g, toàn cây viễn chí 100g, tất cả đều dùng tươi, nấu lấy nước tắm toàn thân.
Trị rối loạn tiêu hoá do ăn đồ sống, lạnh: Sử dụng quả màng tang 8g, lá chè 4g, lá mơ 12g, sắc uống trong ngày.
Lào Cai: Xây dựng mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang |
Cây màng tang - Vị thuốc quý từ núi rừng |