![]() |
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm việc với các Bộ, ngành |
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Ý thức được vai trò to lớn của công tác này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động, tích cực làm việc với nhiều Bộ, ngành để đánh giá, khảo sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chuyên đề giám sát này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong triển khai thực hiện các nội dung giám sát.
Qua thực tế làm việc với các Bộ, ngành, Đoàn giám sát đã có đánh giá bước đầu về những kết quả đạt được cũng như tồn tại hạn chế trong việc thực hiện công tác này. Một trong những vấn đề quan trọng nhận được sự chú ý của nhiều đại biểu là tình trạng công tác tiếp dân ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, đôi khi còn hình thức, người đứng đầu chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm trong việc tiếp dân; còn tình trạng né tránh, ủy quyền cho cấp phó hoặc phó thác cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn tiếp dân dẫn đến hiệu quả, ý nghĩa, chất lượng các buổi tiếp dân còn hạn chế.
Bàn về giải pháp cho những tồn tại, hạn chế này, các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi trong nhận thức về việc tiếp công dân của người đứng đầu, đồng thời cần có những quy định cụ thể, cơ chế, chế tài phù hợp để đảm bảo việc tiếp công dân được thực hiện có hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, nhận thức chưa đúng đắn chính là nguyên nhân lớn dẫn đến công tác tiếp công dân chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo ông, hiện nay nhiều người, nhiều nơi đang cho rằng công tác tiếp công dân thuộc về những người làm công tác dân nguyện hay các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của đoàn viên, hội viên, cử tri.
Cùng với đó, ý thức, nhận thức về trách nhiệm bổn phận của các tổ chức và người đứng đầu trong tiếp công dân cũng bị xem nhẹ và không quan tâm nhiều. Cho nên, việc bố trí, sắp xếp thời gian và trách nhiệm đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị và khiếu nại, tố cáo thông qua tiếp dân là không đến nơi đến chốn. Qua giám sát, tỷ lệ tiếp công nhân của người đứng đầu khá thấp, thường uỷ quyền cho cấp phó, hoặc chỉ cho thành viên uỷ ban đi tiếp công dân. Do vậy, việc tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị và khiếu nại, tố cáo của công dân không đến nơi đến chốn dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm và kéo dài thời gian.
![]() |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị |
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, vấn đề thiết lập cơ chế, chế tài, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng là việc cấp thiết cần thực hiện. Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra và chế tài để xử lý các cấp không thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân. Khi cấp trên chưa nhắc nhở kiên quyết, chưa có chế tài để xử lý cụ thể, công tác tiếp dân sẽ bị buông lỏng.
Cùng ý kiến với đại biểu Hoàng Đức Thắng, đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi nhận thức về tiếp dân còn lơ mơ thì công tác dân nguyện cũng lơ lửng. Đây là nguyên nhân lớn khiến công tác tiếp dân, dân nguyện chưa thực sự hiệu quả. Đại biểu cho rằng cần có hệ thống pháp luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân, cơ chế công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý việc tiếp dân, gắn liền với những chế tài cụ thể xử lý tình trạng thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân. Đồng thời, các cơ quan cần nhanh chóng thay đổi phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân…
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay, pháp luật tiếp công dân còn hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu một số công việc cụ thể trong hoạt động tiếp công dân. Theo đó, các chuyên gia cho rằng pháp luật tiếp công dân cần phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh; quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức; việc tiếp công dân thường xuyên với việc tiếp công dân theo yêu cầu cần thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tiếp dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến cho rằng cần đẩy mạnh việc đôn đốc, giám sát về công tác dân nguyện để xem xét các tổ chức cơ quan có thực hiện tiếp dân, xử lý đơn thư không. Mặt khác, phải công khai đối với các Bộ, ngành, tỉnh thành xử lý công tác dân nguyện kém. Bên cạnh đó, cần gắn công tác dân nguyện của các Bộ trưởng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp cho rằng để tránh việc tiếp dân theo hướng hình thức, cần gắn việc tiếp công dân với việc trả lời kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời đề xuất chấm điểm công tác tiếp dân của các cấp cơ sở, tìm hiểu nguyên nhân người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương, nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để việc tiếp công dân được thực hiện hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của cử tri cả nước./.