Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ảnh: BVCC |
Một lãnh đạo UBND xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam (nơi xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua) - cho biết cá muối ủ chua người dân tự làm, là món đặc sản của người dân ở đây từ xưa đến giờ.
Cách thức làm món này là cá được làm sạch, chặt khúc, ướp muối, trộn với cơm nguội rồi bỏ vào hũ để ủ chua.
"Hơn mười ngày sau thì cá chín, có thể ăn được. Tùy theo cách ăn, có người để nguyên vậy ăn hoặc sẽ hâm nóng, nấu chín. Bất cứ loại cá nào cũng có thể làm ủ chua được, đặc biệt là cá rô phi, niên, trắm... Không riêng gì cá, người dân còn dùng thịt heo, da trâu, bò để ủ chua", vị lãnh đạo nói.
Theo một số người dân ở huyện Phước Sơn, cá muối ủ chua là món ăn truyền thống của đồng bào, rất hay có trong mâm thức ăn tại các lễ hội ở vùng cao.
Một người dân xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, nói rằng nhà mình cũng đã từng làm cá muối ủ chua, đây là món đặc sản người dân ở đây.
"Cá có vị chua, bỏ thêm một chút bột ngọt thì ăn được, không cần phải nấu chín. Thường chúng tôi làm cá đét, cá niên, món cá muối ủ chua rất ngon", người dân nói.
Theo một lãnh đạo huyện Phước Sơn, đối với món cá muối ủ chua, trên địa bàn huyện lâu nay hay sử dụng món truyền thống là cá niên ủ chua, không biết sao người dân lại sử dụng cá chép để làm món đó.
Đến nay sau khi điều tra dịch tễ, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam xác định cả 3 chùm ca bệnh (10 người) đều cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua - món ăn quen thuộc với người dân ở khu vực này.
Trong quá trình chế biến, loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển).
Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện cũng xác định trong món ăn này có chứa clostridium type E (+). Từ đó, có thể khẳng định các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum.
Cảnh báo sau vụ "cá chép muối ủ chua"
Nên ăn các thực phẩm mới chế biến, nấu chín để đề phòng độc tố botulinum có trong thực phẩm |
Liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua, sáng 19/3, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành y tế tỉnh đang phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực điều trị cho các bệnh nhân.
Sau nhiều ngày điều trị, do diễn tiến quá nặng đã có 1 ca tử vong, các ca bệnh còn lại đang tiếp tục được theo dõi và chữa trị.
Trước đó, khoảng 12 giờ 16/3, nhóm 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam).
Các món ăn gồm cá chép làm chua, chim nướng, cơm. Đến 19 giờ cùng ngày (16/3), người đầu tiên trong 5 người ăn có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người khác cũng mắc triệu chứng tương tự. Trong 5 người cùng ăn trưa, 1 người không ăn món cá làm chua thì không bị ngộ độc.
Các bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cấp cứu. Sau khi chẩn đoán và làm các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.
Trước đó, sáng 7/3, bà Hồ Thị Nhương làm mâm lễ cúng đâm trâu với lý do trong nhà có người bệnh nặng, sau đó ăn tiệc. Có 11 người tham dự, bữa ăn gồm các món: thịt heo kho cá khô, món truyền thống cá chua (làm từ cá chép), canh cải nấu bí đỏ, mít xào và cơm.
Đến 13 giờ cùng ngày, 4 người dự bữa tiệc gồm chị Nguyễn Thị Thông (40 tuổi), anh Hồ Văn Tý (28 tuổi), chị Trương Thị Thương (41 tuổi) và chị Hồ Thị Điệp (27 tuổi, đều ở xã Phước Đức) được đưa đến Trung tâm y tế H.Phước Sơn cấp cứu trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân, khó thở, mắt mờ…
Sau đó, các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 13/3, chị Nguyễn Thị Thông tử vong tại bệnh viện.
7 người còn lại liên quan đến bữa tiệc chung của gia đình bà Hồ Thị Nhương lại không có triệu chứng gì sau khi ăn.
Sau đó, Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận một mẫu thức ăn là món cá chép làm chua trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 7/3. Trung tâm An toàn thực phẩm khu vực miền Trung – Viện Pasteur Nha Trang đã kiểm nghiệm tác nhân nghi ngờ. Qua đó xác định, mẫu món cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Cũng theo ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cùng với việc truy tìm nguyên nhân, ngành y tế Quảng Nam cũng phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.
Ngoài ra, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ, côn trùng; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương, không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…