Cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản |
Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản thuộc top 10 sự kiện khoa học và công nghệ 2021 |
Trong lần bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) nổi bật thường niên lần thứ 16 này, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam chọn Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản là sự kiện tiêu biểu về hợp tác quốc tế về KH&CN của năm.
Lựa chọn này thêm một tin vui với những nhà quản lý KH&CN và nông nghiệp cũng như hai tỉnh Bắc Giang, Bình Thuận nhưng không phải là điều quá ngạc nhiên, bởi trong năm qua, hai sản phẩm này cũng được được giới truyền thông khoa học nhắc tới nhiều lần kể từ khi Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Trước đó, ngày 16/3/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác có quy định nhập khẩu khắt khe tương tự.
Sau vải thiều Lục Ngạn, ngày 07/10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản tiếp tục cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…).
Thành công việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận vào thị trường khó tính Nhật Bản cho thấy vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ - là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản. Vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008, và thanh long Bình Thuận được cấp năm 2006. Từ đó, danh tiếng của các sản phẩm được bảo vệ, phát triển, tăng uy tín, giá trị và là bước chuẩn bị quan trọng cho việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cho biết, việc đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm nông sản nêu trên tại Nhật Bản là kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản về cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai nước.
Qua việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới. Đây được xem là một hoạt động mà Cục Sở hữu trí tuệ đang và sẽ tiếp tục nỗ lực làm. Qua đó, giúp cho các đặc sản vùng miền gắn tên với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh là bảo hộ chỉ dẫn địa lý.