Cấp mã vùng trồng xuất khẩu vải Lục Ngạn sang Nhật Bán vải tươi trên ví điện tử lập kỷ lục mới của giao dịch bán lẻ qua công nghệ Lục Ngạn (Bắc Giang): Vải sớm giữ mức giá ổn định |
Các hoạt động xúc tiến thương mại cho trải vải đặc biệt là giải pháp "đưa chợ về vườn" được đánh giá cao tại thủ phủ vải Lục Ngạn. |
Vải thiều chưa vào vụ đã nóng bỏng xúc tiến thị trường
Nhắc đến huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là nhắc đến một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích khoảng 28.000 ha, giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, đặc biệt là đặc sản nức tiếng vải thiều Lục Ngạn.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 17.300 ha trồng vải thiều chuyên canh, trong đó có hơn 13.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 107 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; sản lượng quả tươi đạt khoảng 100.000 tấn/năm.
Huyện Lục Ngạn cũng đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch và 179 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Nhắc đến huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là nhắc đến một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. |
Đặc sản vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định được chất lượng, uy tín thương hiệu ở khắp thị trường trong và ngoài nước, đã xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Đông Nam Á… và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Năm 2023 sản lượng vải thiều Lục Ngạn được dự báo sẽ đạt khoảng 98.000 tấn. Tính đến ngày 3/6, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ ước đạt gần 13.300 tấn.
Cây vải liên quan đến đời sống của người dân Lục Ngạn, liên quan đến diện mạo kinh tế của địa phương chính bởi vậy câu chuyện tìm kiếm thị trường tạo đầu ra bền vững luôn được chính quyền địa phương đặc biệt coi trọng. Trong đó nổi bật là các hoạt động khơi thông dòng chảy cho trái vải thiều Lục Ngạn sang thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Năm 2023 sản lượng vải thiều Lục Ngạn được dự báo sẽ đạt khoảng 98.000 tấn. |
Gần đây nhất, từ ngày 16/5/2023 đến ngày 18/5/2023, Đoàn công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều của UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Thế Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn làm trưởng đoàn đã đến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Qua đó, nhằm tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và một số nông sản chủ lực của huyện sang thị trường Trung Quốc; Đoàn làm việc với các cơ quan chức năng của Thị Bằng Tường; cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây; cơ quan kinh tế, thương mại thuộc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây và các thương nhân, doanh nghiệp, hiệp hội, thương hội nhập khẩu vải thiều và các nông sản khác của Thị Bằng Tường và của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Trước đó, tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đi xúc tiến thương mại tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... Ở trong nước, địa phương cũng đảy mạnh kênh kết nối với hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử... Nhằm tạo đường băng thông thoáng cho trái vải.
Độc đáo với lộ trình "đưa chợ về vườn" tại thủ phủ vải thiều
Nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu thụ vải thiều cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) triển khai tổ chức Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” năm 2023. Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong lộ trình "đưa chợ về vườn".
Theo đó, chương trình du lịch mùa vải năm nay sẽ được diễn ra từ tháng 5 - 7/2023, tại các điểm du lịch, thắng cảnh, các nhà vườn tiêu biểu được chọn đáp ứng tiêu chí phục vụ kinh doanh du lịch. Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” dự kiến tổ chức vào sáng 22/6/2023, tại điểm du lịch Bầu Tiên và khu vực sản xuất vải xuất Nhật Bản tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn gắn chủ đề “Vải thiều Lục Ngạn - Đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á” với nhiều chương trình hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Trong Chương trình du lịch mùa vải năm nay, để tạo điểm đến hấp dẫn kết nối các Tour trải nghiệm vải thiều, huyện Lục Ngạn sẽ lựa chọn các điểm du lịch, hợp tác xã, nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP có diện tích lớn, vườn quả sai, đi lại thuận tiện; chủ nhà thân thiện, nhiệt tình, có đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch. Tập trung vào các địa điểm có các hợp tác xã hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, các xã có nhiều nhà vườn đẹp tiêu biểu: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương, Trù Hựu, Phượng Sơn.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập chung tổ chức các Tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng... Du khách đến với Lục Ngạn được tham quan, trải nghiệm, tự tay hái vải tại vườn; thi hái vải, thi ăn vải, tạo hình bằng trái vải; tham gia các chương trình “Team building” tại vườn vải với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhà vườn; chế biến món ăn, nước uống từ vải; kết hợp trải nghiệm ngày làm mỳ…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang hào hứng thưởng thức vải thiều ngay tại vườn. |
Đánh giá cao hoạt động "đưa chợ về vườn" của huyện Lục Ngạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
“Thị trường trong nước sẽ dần dần biết đến ở Bắc Giang, ở Lục Ngạn có thương hiệu mô hình vườn vải du lịch sinh thái hoạt động trên tinh thần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, các nhà phân phối nội địa đang gặp phải rào cản rất lớn đó là sự mù mờ về chất lượng sản phẩm, mù mờ trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Chính những mô hình độc đáo như vườn vải du lịch sinh thái sẽ giải quyết sự mù mờ cho các nhà phân phối nội địa, qua đó kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản từ vườn tới hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại.
“Nếu như trước kia mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động theo nguyên lý đưa vườn cây ra ngoài chợ thì giờ đây, mô hình vườn vải du lịch sinh thái đã đưa được chợ về trong vườn. Người tiêu dùng sẽ không cần phải ra chợ, ra siêu thị để mua vải thiều mà có thể mua vải thiều ngay tại vườn. Điều đó sẽ làm thay đổi hình ảnh trái vải thiều Lục Ngạn trong mắt người tiêu dùng, đặc biệt làm thay đổi hình ảnh người nông dân hiện đại không chỉ nắm bắt, đón đầu cơ hội mà đã biết tự tạo ra cơ hội cho chính mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trái vải thiều đặc sản trên đất Lục Ngạn chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng để tạo lộ trình cho trái vải chinh phục thị trường. Câu chuyện thành công trong tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang sẽ là gợi mở giá trị cho nhiều địa phương tham khảo để khơi thông thị trường cho những nông sản thế mạnh./.