Vượt qua nguy kịch nhờ điều trị viêm màng não mô cầu kịp thời Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiến tới miễn viện phí cho toàn dân từ 2030-2035 Hạt lanh – “vị cứu tinh” tự nhiên cho người bị táo bón |
Chỉ với một video ngắn hoặc bài đăng bắt mắt, nhiều mẹo chữa bệnh phản khoa học đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây ra không ít hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng. Từ nhỏ nước chanh vào mắt, uống nước tiểu đến “ho mạnh cứu đột quỵ”, những trào lưu này đang đặt ra cảnh báo nghiêm trọng đối với giới chuyên môn.
Thay vì đến bệnh viện, nhiều người đang hỏi... TikTok, facebook
Với từ khóa như “trị cận thị không cần mổ”, “tẩy trắng mắt tại nhà”, “chữa viêm xoang bằng mẹo dân gian”, người dùng dễ dàng tìm thấy hàng trăm video hướng dẫn với nội dung đơn giản, dễ làm theo. Điều đáng lo ngại là những người lan truyền thường không có chuyên môn y tế, nhưng lại sở hữu tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
![]() |
Nhỏ chanh vào mắt là sai lầm nghiêm trọng gây hại thị lực. |
Gần đây, một video lan truyền mạnh mẽ khuyến khích nhỏ nước chanh nguyên chất vào mắt để “giảm mỏi, sáng mắt ngay lần đầu”. Dưới phần bình luận, không ít người xác nhận đã thử và thấy “hiệu quả”, bất chấp cảnh báo từ các bác sĩ.
Một nhóm Facebook có tên “Chanh liều cao” với hơn 52.000 thành viên liên tục chia sẻ các bài viết hướng dẫn dùng nước chanh để nhỏ mắt, chữa viêm mũi dị ứng, ho, thậm chí là lẹo mắt cho trẻ em. Một số thành viên khẳng định “nhỏ vài ngày là khỏi”, dù chính họ cũng thừa nhận cảm giác “rất xót”.
Theo bác sĩ Phan Bích Hằng (Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội): “Chanh chứa vitamin C, acid citric (5-7%), flavonoid và tinh dầu limonene. Những chất này có tính acid và kháng khuẩn nhẹ, phù hợp cho tiêu hóa hoặc chăm sóc da khi dùng đúng cách. Nhưng mắt người có độ pH trung tính (7,4), rất nhạy cảm. Nhỏ nước chanh vào mắt là hành động phản khoa học, có thể gây bỏng rát, viêm giác mạc, tổn thương kết mạc và thậm chí giảm thị lực lâu dài”.
Nguy cơ từ những phương pháp chữa bệnh ‘gia truyền’ và ‘dân gian’ thiếu kiểm chứng
Không dừng ở đó, các bài thuốc “gia truyền” chữa đau dạ dày, tăng đề kháng cũng bị biến tướng thành công cụ trục lợi. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc chỉ vì tin vào lời quảng cáo, dẫn tới dị ứng, ngộ độc, thậm chí suy gan, suy thận.
Một trào lưu khác cũng khiến giới chuyên môn lo lắng là “ho mạnh cứu người bị nhồi máu cơ tim”. Theo câu chuyện lan truyền, một phụ nữ kể rằng khi lên cơn đau tim, chồng cô đã giục “ho đi”, và sau đó tình trạng đỡ hơn. Câu chuyện này nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi như một “phép màu cấp cứu tại nhà”.
![]() |
Giới chuyên môn cảnh báo phương pháp "ho thật mạnh để chữa đột quỵ" thiếu cơ sở khoa học. |
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết: “Nghiệm pháp ho từng được áp dụng trong can thiệp tim mạch, giúp bệnh nhân duy trì tuần hoàn tạm thời khi có thiết bị theo dõi và bác sĩ giám sát. Nhưng đây không phải biện pháp cấp cứu tại nhà. Không có bằng chứng nào cho thấy việc ho mạnh có thể ‘bắn ra’ cục máu đông như lời đồn”. Ông nhấn mạnh: “Không có phép màu nào thay thế được chăm sóc y tế chuyên sâu. Đừng thần thánh hóa hành động ho, càng không nên ép người bệnh có dấu hiệu nguy hiểm phải ho bằng mọi giá”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – nhận định: “Việc tự chữa bệnh theo lời khuyên trên mạng có thể dẫn tới ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận, hoặc làm chậm trễ quá trình điều trị các bệnh nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, tim mạch”.
Không chỉ ảnh hưởng về thể chất, việc tiếp xúc liên tục với thông tin y tế sai lệch còn gây hệ lụy tâm lý. “Có người lo lắng quá mức, tự nghĩ mình mắc bệnh nặng; ngược lại, một số khác lại quá chủ quan, chậm trễ đi khám. Tự chữa bệnh tại nhà, thiếu hiểu biết và dễ bị thuyết phục bởi trải nghiệm cá nhân khiến nhiều người bị cuốn theo. Khi thấy có người nói rằng họ khỏi bệnh nhờ một mẹo dân gian nào đó, người khác dễ tin và làm theo vì nghĩ ‘thử cũng không mất gì’” – TS Nguyên chia sẻ.
Hãy để bác sĩ thật chữa bệnh, không phải “bác sĩ mạng”
Các chuyên gia liên tục khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước các thông tin y tế trên không gian mạng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế thay vì nghe theo “mẹo chữa bệnh” lan truyền.
Mỗi lượt chia sẻ thiếu kiểm chứng không chỉ khiến thông tin sai lệch tiếp tục lan rộng, mà còn góp phần đẩy nhiều người vào nguy cơ tổn hại sức khỏe.
“Không có phép màu nào thay thế được chăm sóc y tế chuyên sâu” – đó là thông điệp mà giới chuyên môn muốn nhấn mạnh trong thời đại mà mạng xã hội đang len lỏi vào từng quyết định về sức khỏe của mỗi người.
![]() |
![]() |
![]() |