Hiện đang ghi nhận nhiều trường hợp mắc căn bệnh liên cầu lợn nguy hiểm do ăn tiết canh và thịt lợn không đảm bảo.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) gây nên, Bệnh lây sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa, ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc lây trực tiếp qua các tổn thương trên da. Vì vậy đây là bệnh được xếp vào nhóm bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Dấu hiệu chính của bệnh là: Viêm màng não (Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, cứng gáy, rối loạn tri giác), xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm bệnh sẽ diễn biến nặng dẫn đến tử vong do sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết…Tỷ lệ tử vong là từ 5 - 20%.
Theo thống kê khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh, cần lưu ý là người đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài.
Tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe |
Có một số quan điểm cho rằng lợn gia đình nuôi, lợn mán, lợn mường, lợn cắp nách…nuôi thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Bất kể giống lợn nào, nuôi ra sao vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và gây bệnh ở những con lợn yếu. Với lợn nhiễm liên cầu (cả lợn lành mang trùng và lợn bệnh) trong tiết và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC). Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ người ăn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Nếu đến bệnh viện muộn cơ hội cứu chữa là rất thấp.
Nhiều người nhiễm liên cầu lợn do ăn các chế phẩm không đảm bảo từ lợn
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận điều trị và cứu sống nam bệnh nhân mang quốc tịch Trung Quốc từ TP Móng Cái chuyển đến. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm trùng đường mật.
Vào cuối tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm, đó là nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.
Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh...
Ở Nam Định cũng ghi nhận 2 trường hợp nhiễm liên cầu lợn do ăn ăn tiết canh, chế phẩm từ lợn, gồm trường hợp của Ông Đ.T.D. (51 tuổi) sau một ngày ăn tiết canh lợn và tham gia giết lợn hộ đám cưới thì có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run, nhiệt độ lên đến 39-40 độ.
Ông D. nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tụt huyết áp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, xơ gan.
Nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh |
Trường hợp khác là bà Đ.T.C. (44 tuổi) làm nghề giết mổ lợn. Theo lời người nhà kể, bà C. mệt mỏi, sốt không rõ nhiệt độ. Bà C. được người nhà phát hiện trong tình trạng kích thích, vật vã gọi hỏi không trả lời, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê, suy hô hấp.
Bà C. nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định sau đó chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm.
Bà C. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi, nhiễm liên cầu lợn. Ngay sau đó bệnh nhân đã được chọc dịch não tủy để đánh giá, dịch não tủy chảy ra đục mủ như nước vo gạo.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng tiếp nhận trường hợp cấp cứu sau khi ăn lòng lợn, tiết canh. Cụ thể, ông L.Q.H.S. (51 tuổi) nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ; tức ngực; khó thở. Theo lời kể của ông S., trước khi vào cấp cứu khoảng 1 giờ, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Ông S. cũng cho biết bản thân có tiền sử khỏe mạnh, không bị dị ứng.
Nêm chọn mua thịt lợn tại cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe |
Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.