Hàng trăm container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng đang được tiêu hủy. |
Phế liệu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu
Theo ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan KV1, thuộc Cục Hải quan TPHCM), sau 2 tuần thực hiện kế hoạch tiêu hủy 357 container phế liệu tồn đọng vì không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, cơ quan chức năng mới xử lý được 15 container.
Đây là số container phế liệu phải tiêu hủy đợt 1 trong kế hoạch tiêu hủy 682 container phế liệu của 28 hãng tàu theo quyết định của Tổng cục Hải quan. Số còn lại dự kiến sẽ tiếp tục tiêu hủy trong năm 2023.
Số phế liệu tiêu hủy đợt 1 này do 10 hãng tàu nước ngoài đưa về cảng biển tại TPHCM từ nhiều năm trước nhưng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường nên không được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu. Sau nhiều năm tồn đọng gây ùn tắc tại cảng Cát Lái, các hãng tàu cũng không thể tái xuất nên cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy.
Trước khi mở container đưa hàng ra tiêu hủy, các tổ giám sát phải kiểm tra niêm phong. |
10 hãng tàu nước ngoài chịu toàn bộ chi phí để tiêu hủy số container phế thải này. Gồm hãng tàu: OOCL Việt Nam, CMA-CGM Việt Nam, HMM Shipping Việt Nam, New SITC Container Lines Việt Nam, MSC Việt Nam, Hapal-lloy Việt Nam, Maersk Việt Nam, Hải An, Nam Sung Shipping Việt Nam, Zim Integrated Shipping Việt Nam.
Trong đó, Maersk Việt Nam có lượng phế liệu buộc tiêu hủy nhiều nhất với 112 container, trọng lượng 2.360 tấn; HMM có 69 container với hơn 1,313 tấn, CMA-CGM có 54 container với gần 1.162 tấn… Các hãng tàu phải phối hợp, cử người có thẩm quyền chứng kiến việc bàn giao hàng hóa, giám sát công tác tiêu hủy và chịu mọi chi phí trong việc tổ chức tiêu hủy của lô hàng.
Phía cơ quan hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) đã phân công 4 tổ công tác thực hiện giám sát việc tiêu hủy này. Tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ từ cảng, nơi hàng hóa đi, lập biên bản bàn giao cho công ty xử lý môi trường.
Công nhân nhà máy xử lý rác thải môi trường đang lấy phế liệu từ container |
Đồng thời, trước khi mở container đưa hàng ra tiêu hủy, các tổ giám sát phải kiểm tra niêm phong (seal), tổ chức giám sát đưa hàng vào tận nơi tiêu hủy. Trường hợp trong ngày chưa tiêu hủy hết thì niêm phong lại, qua ngày hôm sau tiêu hủy tiếp.
Đặc biệt, Tổ giám sát yêu cầu các công ty này phải cung cấp mật khẩu của hệ thống camera giám sát để các công chức trong Tổ giám sát có thể kiểm tra bất cứ lúc nào trong suốt thời gian được giao nhiệm vụ giám sát.
Để việc tiêu huỷ đúng quy định, đúng thời gian các công ty xử lý môi trường sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa tiêu hủy về địa điểm tiêu hủy theo hợp đồng tiêu hủy và biên bản bàn giao. Việc vận chuyển thực hiện trước ít nhất một ngày theo lịch trình tiêu hủy để tạo thuận lợi cho việc giám sát.
Địa điểm tiêu hủy được thực hiện tại: Nhà máy Công ty TNHH Xử lý môi trường sạch Việt Nam (Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu), công suất 30 tấn/ngày; Nhà máy Công ty CP Môi trường Việt Úc (Bình Chánh, TP.HCM), công suất 21 tấn/ngày. Hình thức tiêu hủy tại 2 nhà máy này là ép, cắt xay, đốt tiêu hủy trong lò đốt 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải.
Ngoài ra, có nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại miền Đông - Công ty CP Môi trường miền Đông (Lộc Ninh, Bình Phước), công suất 28 tấn/ ngày; Nhà máy xử lý chất thải thông thường và nguy hại Vĩnh Tân - Công ty CP Môi trường Thiên Thanh (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Hình thức tiêu hủy tại 2 nhà máy này là bằng lò đốt chất thải công nghiệp, nguy hại.
Sau 2 tuần tiêu hủy, mới được 12 container phế liệu được tiêu hủy tại 2 nhà máy.
Phế liệu được vận chuyển vào tiêu hủy tại nhà máy |
Kiên quyết xử lý
Liên quan đến công tác xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển TPHCM, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các hàng tàu tiêu hủy phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, cơ quan Hải quan yêu cầu các hãng tàu phải thuê đơn vị tiêu huỷ hàng hoá vi phạm đủ năng lực, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do các hãng tàu vi phạm chi trả. Nếu quá thời hạn quy định hãng tàu không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp, với sự cương quyết xử lý của cơ quan Hải quan, 10 hãng tàu vận chuyển trên 350 container phế liệu đã nhận quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật, thực hiện yêu cầu của cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 6 hãng tàu vận chuyển 17 container phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường vẫn không thực hiện quyết định của Cục Hải quan TPHCM.
Việc tiêu hủy phế liệu hiện nay theo cách thức đốt nên cần được đánh giá tác động môi trường |
Mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã có văn bản đề nghị Cảng vụ Hàng hải TPHCM căn cứ Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam đối với 6 hãng tàu cho đến khi các hãng tàu nêu trên chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan theo quy định.
Tuy nhiên, việc cưỡng chế chưa thực hiện được do Cục Hàng hải TPHCM cho rằng, đơn vị không có thẩm quyền dừng việc cấp phép ra vào cảng biển khu vực TPHCM đối với tàu thuyền thuộc các hãng tàu nêu trên. Cục Hàng hải TPHCM đề nghị Cục Hải quan TPHCM căn cứ các quy định hiện hành báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để được chỉ đạo giải quyết.
Để xử lý dứt điểm số phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan những vướng mắc phát sinh để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.