Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong kỳ 1 của tháng 10/2023 (tính từ ngày 1/10 đến 15/10), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 27,02 tỷ USD giảm 12,4% so với kỳ trước.
Tính riêng giá trị hàng hoá xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10 đạt 14,18 tỷ USD, giảm 13% so với kỳ trước; giá trị nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 10 đạt 12,84, giảm 11,7% so với kỳ trước.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá nước ta đạt sấp sỉ 523 tỷ USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 272,75 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 250,19 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại đạt 22,56 tỷ USD.
Cả nước có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 18/10.
Theo đó, có 170 thương nhân lọt danh sách này. Trong đó, TP HCM là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân. Tiếp theo là TP Cần Thơ với 36 thương nhân, Long An với 22 thương nhân, An Giang với 16 thương nhân.
Vàng trong nước tăng vọt
Thị trường vàng trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Rạng sáng nay 20/10, các cơ sở kinh doanh vàng trong nước tiếp đà chinh phục lại mốc 71 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết mức 69,9 triệu đồng/lượng mua vào và 70,62 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 250.000 đồng ở cả 2 chiều.
Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 69,75 triệu đồng/lượng và bán ra mức 70,45 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 250.000 đồng ở chiều mua và 550.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 69,92 triệu đồng/lượng và 70,58 triệu đồng/lượng.
Nghề nuôi ong đem lại 250 tỷ đồng/năm
Nghề nuôi ong mật ở tỉnh Sơn La đã đạt mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Sản lượng mật giao động từ 3.200-3.500 tấn/năm; sản lượng phấn hoa đạt 200-230 tấn/năm... Giá trị từ mật ong và các phụ phẩm từ ong khoảng 230-250 tỷ đồng/năm.
Năm 2014 mật ong Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể; năm 2019, sản phẩm mật ong của một số cơ sở sản xuất, hộ nông dân được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tiếp tục khả quan
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ.
Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi XK tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. XK tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, XK tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.
Rau quả có khả năng cán mốc 700 triệu USD
Nửa đầu tháng 10/2023, xuất khẩu rau quả đạt 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến ngày 15/10 lên 4,56 tỷ USD, tăng trưởng 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng thêm gần 2 tỷ USD.
Những tháng gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng ghi nhận khi tháng sau luôn tăng hơn tháng trước.
Giới chuyên gia nhận định, nếu duy trì đà tăng này trong nửa tháng còn lại, tháng 10 sẽ cán mốc 700 triệu USD.