Khánh Hòa: Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2020 giảm gần 82,7% Định hướng mới cho du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 Hà Nội: Khách du lịch trong tháng 11 tăng hơn 29% so với tháng trước |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2020 Ngành Du lịch Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, toàn tỉnh ước đón chỉ trên 7,34 triệu lượt khách, giảm 24% so với cùng kỳ. Du lịch Thanh Hóa sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong năm 2021 để thay đổi các chỉ số.
Tổng số khách du lịch đến với tỉnh Thanh Hóa năm 2020 chỉ đạt 65,5% kế hoạch (ảnh Yên Thư) |
Theo đó, tổng số khách du lịch đến với tỉnh Thanh Hóa năm 2020 chỉ đạt 65,5% kế hoạch, trong đó khách du lịch quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt 35.550 lượt khách, giảm 88,2% so với năm 2019, đạt 8,9% kế hoạch. Tổng thu du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều điểm du lịch trong tỉnh Thanh Hóa đã phải đóng cửa, ngừng đón khách, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch. Nhiều chương trình, tour du lịch trong tỉnh bị hủy bỏ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Mặc dù ngành Du lịch Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp kích cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm an toàn cho du khách khi các khu, điểm du lịch hoạt động trở lại. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức nhưng kết quả vẫn chưa khả quan.
Ngành du lịch Thanh Hóa phấn đấu đón khoảng 11,9 triệu lượt khách du lịch trong năm 2021 (ảnh Yên Thư) |
Năm 2021, Ngành Du lịch Thanh Hóa phấn đấu phục hồi du lịch sau dịch bệnh COVID-19, đón khoảng 11,9 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt: 22.858 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này Thanh Hóa tập trung xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch, đảm bảo phát triển du lịch an toàn, thích ứng với tình hình mới, sớm phục hồi Ngành Du lịch, đảm bảo đạt được cao nhất các chỉ tiêu về du lịch trong năm 2021.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về du lịch, đặc biệt truyền thông trên mạng xã hội; tích cực tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch; tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Huy động tối đa nguồn lực từ các địa phương và doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa, có khả năng cạnh tranh cao. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; quan tâm phát triển lao động du lịch cộng đồng; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Thực hiện có hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, góp phần nỗ lực phục hồi Ngành Du lịch Thanh Hóa; xây dựng và triển khai Kế hoạch liên kết với các tỉnh Bắc Trung Bộ.