Gà mía có nguồn gốc từ xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây, hiện nay thuộc xã Sơn Tây, Hà Nội. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gà mía đã được chăn nuôi ở rất nhiều tỉnh thành khác nhau trên đất nước ta nhằm phục vụ nhu cầu, lợi ích của khách hàng. Đây là giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, da giòn, mỡ dưới da ít và vô cùng thích hợp đối với các hình thức chăn thả tự nhiên.
Gà mía có nguồn gốc từ Hà Tây
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh được Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh phê duyệt Kế hoạch triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt (gà lông màu) an toàn sinh học với quy mô 2.000 con (giống gà mía), thực hiện tại Thành phố Tây Ninh và Thị xã Hòa Thành, mỗi thị xã, thành phố 1.000 con.
Việc triển khai mô hình nhằm lựa chọn các giống gà đặc sản từ các tỉnh khác về nuôi nhằm đa dạng hóa nguồn con giống trên địa bàn tỉnh, đồng thời, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học đến người chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Theo đánh giá tại hộ ông Huỳnh Quý Phi, ở khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), ông bắt đầu nuôi giống gà mía do Trung tâm Khuyến nông triển khai từ tháng 5/2020 với số lượng 500 con. Tham gia mô hình ông được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% giống và 30% vật tư; tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học có kiểm soát tốt dịch bệnh; hướng dẫn làm chuồng trại và áp dụng đệm lót sinh học trong suốt quá trình nuôi gà.
Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ tiêm phòng các loại vắc-xin ngừa bệnh cho gà theo đúng lịch tiêm phòng, giúp đàn gà khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống cao. Do sử dụng đệm lót sinh học nên chuồng trại không có mùi hôi.
Giống gà mía do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh triển khai
Thông qua việc thực hiện mô hình, nông dân thực hiện được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ghi sổ nhật ký mô hình, trong đó ghi chép đầy đủ quá trình chăn nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc thú y cũng như các sản phẩm khác, bảo đảm khi thu hoạch thì sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, hướng tới việc sản xuất theo quy trình VietGAHP.
Có thể nói đây mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đa dạng hóa các sản phẩm trong chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Mới đây, Hội Nông dân xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành) cũng đã ra mắt Tổ nghề nghiệp “Chăn nuôi gà mía” do ông Nguyễn Văn Chí, hội viên Hội nông dân xã, ngụ tại ấp Trường Đức làm tổ trưởng. Tổ nghề nghiệp chăn nuôi gà có 5 thành viên, ban đầu Tổ nuôi 400 con gà mía. Tổ đã được Hội Nông dân xã và cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông thị xã Hòa Thành hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo Hội Nông dân xã Trường Đông, gà mía là giống gà mới có sức đề kháng tốt, ít bệnh, ngoại hình đẹp, giá bán cao-hơn 90.000 đồng/kg; trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y... người nuôi có thể thu lãi 90.000 đồng/con sau 5 tháng nuôi.
Mai Quỳnh