Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với các quy định cụ thể về nội dung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng. Đồng thời, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Nhà nước giao.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cho rằng cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra |
Cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế; bảo đảm tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi.
Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Theo dõi chương trình nghị sự, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương bày tỏ đồng tình và đánh giá cao nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đánh giá kỹ các nội dung quy định trong Dự thảo Luật, đối chiếu kỹ lưỡng với tình hình triển khai trong thực tế để đưa ra những nhận định quan trọng, sát với thực tiễn.
Chia sẻ về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ, với các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Big Data… đã làm nảy sinh nhiều mô hình kinh doanh mới, mối quan hệ giao dịch cũng trở nên mới mẻ, phức tạp hơn, dẫn đến nhiều vấn đề mới cũng phát sinh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trịnh Văn Dương cũng cho biết, vừa qua, ngày 10/10 đã được chọn là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia”, cùng với đó, nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số cũng được các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp tăng tốc thực hiện. Với định hướng phát triển hiện đại hóa bắt nhịp cùng thế giới, thời gian tới xu hướng giao dịch qua mạng chắc chắn sẽ còn sôi động hơn nữa.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam cho biết, hình thức kinh doanh online đem đến một số rủi ro cho người tiêu dùng, cụ thể như: người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, hàng bị giao chậm, hàng hóa không đúng với nội dung đã được quảng cáo, khi bị phát hiện hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì né tránh trách nhiệm bằng cách khoá hoặc gỡ bỏ tài khoản bán hàng trên mạng Intenet, gây nhiều khó khăn trong việc liên lạc với người bán, làm kéo dài thời gian giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương |
Về giải pháp thực tiễn từ phía doanh nghiệp đối với việc phòng, chống hàng giả, ông Trịnh Văn Dương cho biết, các công ty trong lĩnh vực mã hóa đã cung cấp các giải pháp chống giả mạo dựa trên công nghệ tiên tiễn mã hóa ẩn để tăng cường bảo mật, hỗ trợ người tiêu dùng kiểm tra xác thực nhanh các sản phẩm chính hãng trước khi quyết định mua sản phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, bên cạnh giải pháp công nghệ, giải pháp về hoàn thiện pháp lý là điều kiện quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cho rằng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn thiếu các quy định điều chỉnh về nội dung này, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam nhấn mạnh, cần hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên không gian mạng, giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, như thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng, các mô hình kinh tế chia sẻ, dịch vụ ngang hàng.
Đặc biệt chú ý đến dịch vụ cho vay tiêu dùng, ông Trịnh Văn Dương cho biết, hiện nay nhiều người gặp khó khăn với việc tiếp cận tín dụng chính thức, trong khi nhu cầu vay là rất lớn. Một số dịch vụ cho vay trên mạng đã nở rộ, không ít trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thông qua hình thức này trục lợi tiền lãi, tiền phạt từ người tiêu dùng, làm phát sinh các vụ việc đòi nợ thuê, quấy rối thu nợ, gây mất trật tự an ninh. Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam hy vọng lần sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có những quy định góp phần làm minh bạch hình thức cho vay tiêu dùng, cho vay trực tuyến.
Chuyên gia này cũng chia sẻ, xu hướng giao dịch trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, và nước ta cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường chuyển đổi số cần được tiến hành kịp thời để bắt kịp diễn biến của thực tế. Thẳng thắn thừa nhận rằng việc quy định chặt chẽ hơn có thể sẽ làm phát sinh thêm chi phí, nguồn lực cho cơ quan nhà nước cũng như yêu cầu cao hơn về trách nhiệm cho phía doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Trịnh Văn Dương cho rằng việc hoàn thiện quy định này sẽ đảm bảo sự lành mạnh cho môi trường kinh doanh, tạo sự an tâm cho cả phía khách hàng lẫn doanh nghiệp.
Cùng quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, TS.Phan Thị Lan Phương, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khi tham gia giao dịch trên Internet, người tiêu dùng còn phải đối mặt với rủi ro bị lộ thông tin cá nhân nên có thể bị nhận hàng từ một tài khoản giả mạo khác, hoặc bị rất nhiều tài khoản bán hàng chào mời, làm phiền hoặc gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống riêng tư của cá nhân, vấn đề này trong các quy định của pháp luật hiện vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Vì vậy, góp ý hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), TS.Phan Thị Lan Phương cho rằng, đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong các giao dịch được thực hiện qua mạng Internet, cần phải quy định theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh trong việc bảo mật thông tin khách hàng.
Ngoài ra, đối với hình thức giao dịch được thực hiện qua mạng Internet, cần phải có quy định về việc giám sát tính trung thực trong giao dịch, bằng cách quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba tham gia vào việc giám sát tính trung thực trong các giao dịch, và có cơ chế để chủ thể kinh doanh khi sử dụng ứng dụng của internet không tự mình xoá được tài khoản bán hàng khi bị phát hiện có hành vi kinh doanh không trung thực.