Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người Chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật |
Tình trạng ca mắc sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, trong 2 tháng đầu năm 2023, số mắc sốt xuất huyết cả nước khoảng 13 nghìn ca, tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2022, nguy cơ bùng phát thành dịch.
Trong đó, dịch sốt xuất huyết có chiều hướng tăng bất thường khu vực Tây Nam Bộ. Cụ thể, TP.Cần Thơ có trên 600 ca, tỉnh An Giang có khoảng 860 ca; riêng ở hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, số ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay tăng 200-400% so với cùng kỳ năm 2022; khu vực Đông Nam Bộ (riêng tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 800 ca mắc sốt xuất huyết).
Tại TP.HCM có 5.488 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022) ở 287 ổ dịch, rải rác tại các phường, xã, thị trấn. Những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Bình Chánh (588 ca), quận Bình Tân (586 ca), Thủ Đức (568 ca), quận 12 (356 ca), quận Bình Thạnh (341 ca).
Ngày 27/3, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24/3), Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước), không có ca tử vong.
Cộng dồn, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.Hà Nội có 189 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 120/579 xã, phường, thị trấn.
Đánh giá tình hình dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội nhận định, trong tuần, số ca mắc sốt xuất huyết tăng. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.
Vậy nên thời gian tới, Hà Nội cùng các đơn vị, cơ sở tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.
Biện pháp ứng phó
Thời gian tới, Hà Nội cùng các đơn vị, cơ sở tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.
Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Ngành Y tế Thủ đô cùng các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp. Rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng. Thực hiện báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.
Theo dõi sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, chủ động triển khai chiến dịch VSMT-DBG một cách triệt để, có hiệu quả.
Trước tình hình bất thường này, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.
Sở Y tế thành phố giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tăng cường dự báo, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết theo quy định; đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn theo từng cấp độ dịch…
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại đơn vị; thường xuyên tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế.
Chủ động phòng chống
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần thực hiện những điều sau: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.