Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang kiểm soát chặt việc mua bán, tiêu thụ khí N2O cho các hoạt động giải trí.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) cũng đã có chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, kiểm soát khí N2O (khí cười) - loại khí có trong "bóng cười".
Bóng cười là một trong những trào lưu của giới trẻ.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). "Từ đó, có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất", chỉ đạo của Phó thủ tướng nêu.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O; báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/12.
Bộ Y tế kiểm soát chặt việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế; đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông; kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O. Các đơn vị nghiên cứu, đề xuất để thống nhất biện pháp quản lý, quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính bảo đảm tính răn đe.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội, Công an Hà Nội cũng đã có kiến nghị lên UBND thành phố về việc siết chặt các quy định quản lý, sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí. Từ các đề xuất đó, UBND Hà Nội kiến nghị lên Bộ Y tế, đề xuất xếp khí N2O vào danh mục các chất cấm sử dụng cho mục đích giải trí.
Tháng 5/2019 Bộ Y tế có văn bản nhất trí với kiến nghị này của Hà Nội. Theo đó, bóng cười (bơm bằng khí N2O) sẽ được xếp vào danh mục cấm tại Hà Nội.
Tháng 8/2019, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị của thành phố chấn chỉnh quản lý trật tư tại khu vực phố đi bộ Bùi Viện, trong đó nhấn mạnh việc kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh bóng cười tại đây.
Bóng cười có hại như thế nào?
Việc chơi và hít hơi bóng cười ẩn chứa nhiều mối nguy hại mà chúng ta không thể lường trước. Được biết ở một số nước châu Âu, chất này là chất kích thích được bán hợp pháp tại các hộp đêm.
Khi hít bóng cười người chơi sẽ thấy sảng khoái cứ thế tuôn cười không thể kiểm soát được, sau đó hoàn toàn chìm đắm trong ảo giác, những đê mê về mọi thứ xung quanh.
Thường xuyên sử dụng bóng cười có thể làm suy giảm khả năng sinh sản.
Các bác sĩ trên thế giới cũng từng cảnh báo rằng, việc hít bóng cười hay khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. Hít khí này vào cảm giác tê tê, đặc biệt là nghe nhạc rõ, sau đó phấn khích, cười ngả nghiêng. Sử dụng bóng cười có một đặc điểm chung là khiến người dùng lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu.
Sử dụng bóng cười một cách thường xuyên có thể dẫn tới sự thiếu hụt vitamin B và thiếu máu trong cơ thể. Thiếu vitamin B có thể gây ra ngứa ran ở ngón tay, ngón chân kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày. Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn tới tê liệt và khó đi lại...
Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, việc thường xuyên sử dụng bóng cười cũng có thể làm khả năng sinh sản bị giảm.
Vào năm 2010, diễn viên người Mỹ Demi Moore sau khi hít loại bóng cười này trong những buổi tiệc đã phải nhập viện với triệu chứng co giật, run rẩy. Cuối năm 2012, một sinh viên Trường Đại học Illinois là Benjamin Collen, 19 tuổi, đã tử vong vì bị ngạt khí N2O.
Việc sử dụng bóng cười với số lượng lớn và thường xuyên sẽ gây ra việc tổn hại thần kinh nghiêm trọng. Dữ liệu do các nhà khoa học Anh công bố cho biết khí cười đã gây ra 17 ca tử vong ở nước này trong giai đoạn 2006 - 2012. Trong đó có 5 ca tử vong do ngạt thở vì thiếu oxy.
Hạ Vy