Nông dân phấn khởi vì sầu riêng được mùa, giá cao kỷ lục. |
Sầu riêng giá cao kỷ lục
Mấy ngày nay, nông dân huyện Cái Bè bán trái sầu riêng giống MonThong (loại 1) giá 94.000 đồng/kg, giống Ri 6 giá trên 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá kỉ lục trong nhiều năm qua, với mức giá này so với trồng lúa trước đây, nông dân huyện Cái Bè có thu nhập tăng gấp vài chục lần.
Do hiệu quả kinh tế cao nên mô hình trồng cây sầu riêng đang phát triển mạnh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, kể cả ở vùng ngập lũ, vùng đất lúa nông dân vẫn xây dựng các ô đê bao, để trồng loại cây ăn quả này. Toàn huyện hiện có khoảng 7.000 ha cây sầu riêng, tập trung nhiều ở các xã Hòa Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lợi A, Đông Hòa Hiệp...
Hiện sầu riêng Tiền Giang giá cao kỷ lục và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sầu riêng tăng giá mạnh do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh tác động từ quy luật cung - cầu thị trường, việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được khai thông cũng chính là một yếu tố quan trọng.
Mặt khác, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để người dân nâng cao giá trị sản xuất sầu riêng, nâng chất lượng sản phẩm; chú trọng áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Ông Huỳnh Bữu Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp nhận định, với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, sự giao thương thuận lợi cũng như trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác, trong tương lai, giá sầu riêng nhiều khả năng sẽ giữ ở mức cao như hiện nay. Từ đó, người dân hưởng lợi và vùng chuyên canh phát triển mạnh mang lại giá trị cao cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Nông dân lãi từ 600 đến 800 triệu đồng/ha
Ông Phan Văn Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho biết: “Cây sầu riêng chuyển lên trồng vùng này hiệu quả kinh tế rất lớn. Do được trồng trong các ô đê bao nên lũ về không ảnh hưởng gì. Cây sầu riêng thì nông dân mình nắm kỹ thuật canh tác rất tốt. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, huyện vẫn cho trồng cây sầu riêng nhưng mà khi nào cần thiết chuyển về diện tích lúa thì chúng tôi chuyển về đất lúa”
Nông dân vùng chuyên canh sầu riêng đánh giá, với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha và giá bán như hiện nay, người dân thu lãi ròng từ 600 triệu đến 800 đồng/ha, cao nhất so với các loại cây ăn trái đặc sản khác ở Tiền Giang.
Tỉnh Tiền Giang có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao gấp vài chục lần. |
Nhằm phát huy lợi thế cây sầu riêng đặc sản gắn kết sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu, giúp vùng chuyên canh phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn chỉnh những thủ tục cần thiết để được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói cho trái sầu riêng đặc sản.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tập trung tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân theo hướng an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác liên kết chuỗi giá trị cũng như đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.
Tiền Giang hiện xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng có tổng diện tích trên 17.000 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy…,với năng suất bình quân đạt từ 20 - 23 tấn/ha và sản lượng lên đến trên 300.000 tấn quả. Hiện sầu riêng Tiền Giang giá cao kỷ lục và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; trong đó, có khoảng 100ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng./.
Trung Quốc cấp 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam |
Nhà vườn Tiền Giang phấn khởi vì kiếm bộn tiền nhờ sầu riêng chín sớm |
Giá sầu riêng tăng gấp 3 |