Hiện tỉnh Quảng Trị có tất cả 6 hợp tác xã, tổ hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị trên diện tích hơn 105 ha đất lúa. Hiện nay, đã hình thành các vùng sản xuất được quy hoạch tập trung, sản xuất trên cánh đồng lớn như: Hợp tác xã Phước Thị (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) 20 ha; Tổ hợp tác Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) 10 ha; hợp tác xã Đức Xá (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) 40 ha...
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Quảng Trị đang được triển khai đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng khó
Với năng suất lúa tươi dao động từ 5 - 8 tấn lúa tươi/ha/vụ/năm thì giá trị thu nhập trung bình mỗi ha lúa hữu cơ dao động từ 60 - 96 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất đại trà từ 20 - 40 triệu đồng/ha/năm. Mô hình được thực hiện cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất sạch, hữu cơ theo hướng bảo vệ môi trường bền vững. Việc quy hoạch vùng sản xuất, sản xuất trên cánh đồng lớn đã giúp người nông dân thay đổi phương thức hợp tác, liên kết trong sản xuất.
Thời gian qua, Tỉnh Quảng Trị đang có nhiều cách làm hiệu quả, liên kết tạo ra các mô hình canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ và thích nghi với biến đổi khí hậu để sản xuất ra lúa gạo hướng đến bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Nằm trong chủ trương phát triển lúa gạo hữu cơ, thân thiện môi trường, mấy năm nay Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Trị triển khai thực hiện hợp phần "Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu" (CSA) của dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu ích sử dụng nước, thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với các tác động bất lợi của thiên tai.
Nông dân Quảng Trị vui mừng khi vụ lúa hữu cơ được mùa
Thông qua các mô hình CSA trồng lúa, ngô, đậu, nhiều nhất vẫn là cây lúa, người dân được hưởng lợi trên cả ba mặt về kinh tế, xã hội và môi trường. Về môi trường, thông qua kết quả đo lượng phát thải khí nhà kính (CH4, N2O và CO2) ở mô hình CSA tại thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh vụ hè thu năm 2018 cho thấy khi áp dụng các biện pháp canh tác theo mô hình CSA thì tổng phát thải giảm từ 1,56 kg CO2/kg thóc ở ruộng đại trà xuống còn 0,9 kg CO2/kg thóc ở ruộng mô hình.
Ðến nay diện tích thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt 5.600 ha. Nhiều nông dân cho biết việc áp dụng các quy trình kỹ thuật thực hành CSA khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Qua sản xuất, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã xây dựng được Bộ quy trình kỹ thuật thực hành CSA cho các đối tượng cây trồng (lúa, đậu, ngô) cũng như xây dựng được Bộ tiêu chí nhân rộng mô hình, đây là cẩm nang cho cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở để quy hoạch vùng, lựa chọn vùng tập trung để phổ biến thực hiện CSA.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, trong thời gian tới, Quảng Trị vẫn phải lấy nông nghiệp làm bệ phóng để phát triển. Do đó, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỉnh quyết tâm đạt được diện tích lúa chất lượng cao bình quân hằng năm hơn 80% tổng diện tích gieo trồng, trong đó sản xuất theo cánh đồng lớn áp dụng quy trình hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, có chứng nhận đạt từ 11 nghìn đến 12 nghìn hecta.
Mai Quỳnh