Xác định kinh tế lâm nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập chủ yếu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển cây dược liệu đến năm 2030 và Đề án trồng rừng gỗ lớn đến năm 2025, góp phần hình thành và từng bước phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn và vùng dược liệu tập trung.
Ba Chẽ quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu
Trong 5 năm, huyện đã trồng được 16.400 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 68,2% năm 2015 lên 72% năm 2020, tăng 3,8% và đứng đầu toàn tỉnh.
Theo đó, huyện đã hỗ trợ người dân trồng các loài cây bản địa, cây có chu kỳ kinh doanh dài, như lim, lát, thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc...; ưu tiên vốn hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại các khu vực rừng đầu nguồn sông suối, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt để duy trì nguồn sinh thủy, phòng chống sạt lở, lũ quét.
Ba Chẽ đã trồng mới 956ha rừng gỗ lớn, gần 300ha vùng dược liệu là cây trà hoa vàng và cây ba kích tím, giúp người dân khai thác bền vững đất lâm nghiệp, kết hợp lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là bảo vệ rừng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước giữa 2 mùa mưa - khô.
Tổ chức quản lý bảo vệ nghiêm và sử dụng bền vững gần 57.000ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; năm 2025 diện tích trồng rừng tập trung đạt 15.000ha; hình thành và phát triển ổn định rừng gỗ lớn với quy mô 5.000ha để đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu; phát triển thêm 800ha dược liệu…
Mô hình trồng cây trà hoa vàng ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ
Để đạt được những mục tiêu trên, huyện Ba Chẽ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp chính, ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện.
Trong đó tập trung vào những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá so với giai đoạn trước, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nhận thức trong phát triển kinh tế lâm nghiệp;
Đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, nâng cao chất lượng đào tạo nghề rừng cho nhân dân;
Triển khai chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến gỗ rừng trồng và dược liệu, có ít nhất 1 doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm lâm nghiệp;
Nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện để các hộ gia đình liên kết cùng doanh nghiệp sản xuất tạo thành chuỗi sản phẩm; giao chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cụ thể cho các xã, các chủ rừng;
Đưa một số loài cây dược liệu có giá trị cao vào trồng dưới tán rừng tự nhiên; xây dựng thương hiệu trà hoa vàng trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia...
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng kinh tế lâm nghiệp của huyện Ba Chẽ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, khi năng suất, giá trị của rừng trồng còn thấp, đạt khoảng 70-80m3/ha/chu kỳ 7 năm; giá trị gỗ nguyên liệu chưa cao, chủ yếu là chế biến thô, gỗ băm dăm xuất khẩu; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào khai thác du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Mai Quỳnh