Dây chuyền may veston của May 10 tại Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: May 10. |
Ngày 22/2, Sở Công thương TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của ngành công thương TP.HCM trong quý I/2024.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, một tín hiệu vui ngay từ đầu năm là đã có hơn 97% lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2024. Theo ghi nhận từ các hiệp hội, đơn hàng cho các doanh nghiệp trong quý I/2024 khá lạc quan. Trong đó, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng đến tháng 6, có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024.
“Điều này rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu bằng sức mua của thị trường thế giới đã ấm dần và thị trường TP.HCM đã có những tín hiệu tích cực. Vì vậy, chúng tôi hy vọng quý I/2024 sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn so với năm vừa qua”, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tiếp tục suy giảm so với tháng trước nhưng lại tăng so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu tích cực về "sức khỏe" của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có đơn hàng đến hết quý II.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết để đối phó với những bất định trong kinh tế thế giới năm 2024, ban lãnh đạo May 10 phải tập trung tìm kiếm đơn hàng, lo đủ việc làm cho người lao động .
Đồng thời, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh, tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng.
"Năm nay, May 10 quyết tâm đạt thành tích cao với mục tiêu doanh thu tăng 6,6% so với năm 2023", ông Việt nói.
May mắn là quý I, nền kinh tế đã có tín hiệu tốt hơn, sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, sự giảm nhanh của lạm phát . "Thời điểm hiện tại chúng tôi đã có đơn hàng hết tháng 4”, Tổng Giám đốc May 10 thông tin.
Công nhân điện tử làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Lê Tuyết |
Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây - cho biết những tháng đầu năm, đơn hàng công ty bà dồn dập. Dù hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng nên công ty phải mở rộng quy mô.
"Ngoài phục vụ thị trường nội địa, năm nay các đơn hàng xuất khẩu tăng 2 con số những tháng đầu năm", bà Giàu nói và cho rằng bún, miến, phở của doanh nghiệp được thị trường Mỹ, Canada rất ưa chuộng.
Lãnh đạo Công ty da giày Catlongs cho biết đã bắt đầu làm việc lại sau Tết từ sớm vì đơn hàng dồi dào. Công ty đã nhận đơn hàng đến tháng 8. Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu quý I ở mức 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I năm ngoái, doanh nghiệp tăng trưởng âm.
"Thị trường Đức, Brazil có sức tăng trưởng mạnh nhất, trong đó, giày thể thao được đặt với số lượng lớn", lãnh đạo Catlongs nói.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy dấu hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm % vào mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai… Chỉ có ba địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP thấp là Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La.
Ngành sản xuất đang phục hồi cũng thể hiện ở chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Trong tháng đầu tiên của năm 2024, PMI quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng trưởng không cao, nhưng đủ cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng.
Nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là yếu tố then chốt giúp số lượng đơn hàng tăng. Các nhà sản xuất đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng sản lượng trong năm 2024, với hy vọng nhu cầu sẽ cải thiện hơn nữa.
Đánh giá về sự chuyển biến tích cực của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng đầu năm, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực.
Tuy nhiên, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng. Bởi, trong khu vực sản xuất của Việt Nam, tăng trưởng sản lượng chủ yếu tập trung vào các nhà sản xuất hàng hóa trung gian. Đặc biệt, tồn kho hàng mua giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
"Vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có thể hiện sự quay trở lại bền vững của tăng trưởng hay không", ông Andrew Harker nhận xét.
Các doanh nghiệp cam kết cung ứng đủ xăng dầu dịp Tết |
Tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu thịt gia cầm đầu năm mới |
Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đúng hướng |