Nguyên nhân còi xương
Phần lớn các trường hợp còi xương xảy ra do cơ thể thiếu hụt vitamin D. Theo nghiên cứu, vitamin D, Canxi và Phospho là những thành phần chính tham gia vào quá trình hình thành xương. Trong đó, vitamin D có vai trò giúp cơ thể hấp thụ Canxi và Phospho. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin D, hàm lượng Canxi, Phospho trong máu giảm, cơ thể có thể sẽ lấy những dưỡng chất này từ xương để phục vụ cho các hoạt động sống.
Đồng thời, lượng vitamin D thực tế được cung cấp cho cơ thể có đến 80% được lấy từ ánh nắng mặt trời và chỉ 20% lấy từ các thực phẩm hằng ngày (thịt, cá, trứng, sữa, dầu, đậu,…). Vì vậy, trẻ có thể bị còi xương do thiếu vitamin D nếu được bao bọc quá kỹ, không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Bên cạnh vitamin D, việc thiếu hụt vitamin K2 - một loại vitamin có chức năng vận chuyển canxi tạo xương, vitamin D3 - một loại vitamin tham gia vào quá trình chuyển hóa xương hay các khoáng chất tham gia vào quá trình tạo xương như phospho, kẽm, magie,… sẽ khiến xương phát triển không bình thường, gây còi xương.
Ngoài ra, trong một số trường hợp trẻ có thể bị còi xương do gặp các vấn đề về tự tổng hợp và chuyển hóa Vitamin D, Canxi và Phospho thành xương như bệnh Celiac, viêm đường ruột, xơ nang, hay các bệnh lý về thận.
Biểu hiện của bệnh còi xương
Trẻ thường xuyên quấy khóc, hay nôn chớ, trằn trọc, ngủ không ngon giấc, mồ hôi trộm ra nhiều cả lúc ngủ lẫn lúc thức, đặc biệt là tóc mọc vành khăn. Xương sọ có dấu hiệu mềm, thóp trước rộng, bờ mềm, chậm kín, có bướu ở chán, ở đỉnh đầu làm đầu to ra.
Trẻ chậm mọc răng, lồng ngực có biến dạng như ngực gà. Chân cong kiểu vòng kiềng hoặc choãi ra như chữ X. Trẻ chậm biết ngồi, biết đi. Ở thể nặng, trẻ có thể xuất hiện những cơn giật do hạ canxi máu
Phòng và điều trị còi xương
Còi xương là một bệnh có thể phòng tránh được và ít tốn kém vì nước ta quanh năm đều có ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, cần lưu ý những điều sau:
Trong thời gian mang thai, người mẹ nên tắm nắng bằng cách đi dạo ngoài trời để tiếp nhận vitamin D, đồng thời ăn uống đủ chất để phòng tránh sinh non, suy dinh dưỡng bào thai.
Trẻ sau khi sinh cần được bú mẹ ngay, cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ 6 tháng trở lên bắt đầu cho ăn bổ sung, chú ý cho thêm dầu mỡ, rau xanh.
Phòng ở của trẻ cần thoáng mát có nhiều ánh sáng. Từ tháng đầu sau sinh cả mẹ và con cần được tắm nắng, chú ý không để trẻ bị nhiễm lạnh hoặc quá nóng, chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn có thể tắm nắng buổi sáng, thời gian tăng dần từ 5 – 20 phút.
Đối với những trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500 g) thì từ tuần thứ hai nên cho uống vitamin D (400 đơn vị/ngày), uống liên tục trong năm đầu.
Nếu trẻ bị còi xương thì cho uống vitamin D 2000 – 4000 đơn vị/ngày kéo dài 6 – 8 tuần. Tránh dùng vitamin D liều cao dễ gây ngộ độc. Khi trẻ bị ngộ độc vitamin D thường biểu hiện nôn, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, táo bón hoặc tiêu chảy… Các triệu chứng này sẽ hết khi ngừng uống vitamin D. Trong một số trường hợp uống quá liều vitamin D kéo dài sẽ làm tăng canxi máu và vôi hóa mạch máu gây sỏi thận.
Trẻ còi xương do thiếu vitamin D thường thiếu cả canxi, cần cho trẻ uống thêm canxi 0,5 – 1g/ngày.
Ngoài ra, cũng cần cho trẻ tắm nắng kết hợp với chế độ ăn đủ protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả điều trị còi xương.