Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành QĐ 303-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019”; theo đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao.
Danh sách 15 sản phẩm được gắn 4 sao bao gồm: Nước mắm hạ thổ của Công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần (Diễn Châu); Hương trầm Liên Đức của Công ty TNHH Hương trầm Liên Đức (Thanh Chương); Chè xanh Thanh Chương của HTX nông nghiệp và chế biến chè xanh Thanh Đức (Thanh Chương); Tương Sa Nam (Nam Đàn); Dệt thổ cẩm (khăn, váy, khăn trải bàn) của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu); Trà túi lọc cà gai leo, Trà túi lọc dây thìa canh, Trà túi lọc giảo cổ lam của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát (Con Cuông); Trà linh chi ATC, Nấm linh chi ATC của Công ty Đầu tư và sản xuất ATC (thành phố Vinh); Rượu mú từn của Công ty TNHH Một thành viên Long Lưu (thành phố Vinh); Rượu đông trùng hạ thảo, Tảo xoắn spirulina michio, Đậu tương lên men Nattokizana của Công ty Cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma (Quỳnh Lưu); Chả cá trích của Công ty Cổ phần Biển Quỳnh (thị xã Hoàng Mai).
Sản phẩm OCOP Nghệ An gắn với văn hóa đặc trưng của địa phương
Các sản phẩm công nhận đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp giấy công nhận, được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP Nghệ An” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 4/2/2020 của UBND tỉnh Nghệ An và các quy định hiện hành. Kết quả công nhận xếp hạng có giá trị trong 3 năm, kể từ ngày quyết định được ký ban hành.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, thông qua việc đánh giá, phân hạng lần này, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP dần được hình thành; nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn; tạo được vị thế, thương hiệu vững chắc trên thị trường.
Có được thành quả tích cực trên là nhờ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tinh thần hưởng ứng của nhiều đơn vị tham gia chương trình. Cụ thể, ý thức rõ vai trò quan trọng của OCOP với địa phương, trong năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch. Đơn cử như “Hội chợ Nông nghiệp, sản phẩm OCOP các tỉnh miền Trung và sản phẩm xanh khu vực Hợp tác xã, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2019”. Hội chợ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp của vùng và tỉnh Nghệ An.
Sản phẩm OCOP Nghệ An khai thác thế mạnh của vùng
Hội chợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề của các tỉnh, thành quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đến khách tham quan Hội chợ. Đây còn là cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành trong cả nước về lĩnh vực khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm lâm sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường mối liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống trung tâm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp tỉnh và huyện…
Hà Linh